Gấp rút trang bị công nghệ trong quản lý, giám sát giao thông
Kinhtedothi - Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức giao thông nói chung, giám sát, xử phạt vi phạm nói riêng cần gấp rút ứng dụng công nghệ hiện đại. Không có hệ thống camera ghi hình phạt nguội thì CSGT không thể kiểm soát được hết các loại hình vi phạm, công tác xử phạt sẽ không thể đạt được kết quả như mong muốn.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, thạc sĩ Quản lý đô thị Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Ví dụ như với Hà Nội, một TP hơn 8 triệu dân, gần 10 triệu phương tiện, không ứng dụng công nghệ vào quản lý, tổ chức, điều tiết giao thông thì còn phải rất lâu nữa mới thiết lập được một trật tự giao thông văn minh, hiện đại”. Vị chuyên gia này cho rằng, luật pháp nghiêm minh là tiền đề, nhưng công nghệ hiện đại mới là một trong những cơ sở, điều kiện quan trọng nhất để thực hiện tốt luật pháp. Sở dĩ nhiều người vẫn bất chấp mức phạt nặng để vi phạm là do hai yếu tố. Thứ nhất là thói quen đã hình thành trong văn hóa giao thông từ lâu; thứ hai là do nắm được nhược điểm thiếu công cụ giám sát của lực lượng chức năng. Nếu tất cả các ngả đường, khu dân cư đều có camera giám sát thì chắc chắn vi phạm giao thông sẽ giảm rõ rệt hơn nữa.
“Có thể khẳng định, đa số người dân đều có ý thức chấp hành luật, sợ bị xử phạt nặng. Minh chứng là vi phạm, và tai nạn giao thông giảm mạnh trong những tháng qua. Nhưng bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông vẫn tranh thủ những nơi không có lực lượng chức năng hiện diện, không có camera giám sát để đi bừa, đi ẩu. Thực tế đó cho thấy cần gấp rút đầu tư hệ thống “mắt thần” giao thông trên diện rộng, đặc biệt là tại các đô thị lớn” - thạc sĩ Trần Tuấn Anh nói.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ lắp thêm hơn 40.000 camera giám sát trong giai đoạn từ năm 2025 - 2030; trong đó có hơn 23.700 camera phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý vi phạm giao thông. Thạc sĩ Trần Tuấn Anh cho rằng TP cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ kế hoạch này. Ưu tiên trang bị camera cho các tuyến đường lớn, trục chính, khu vực lân cận bến xe, trung tâm thương mại, khu vực tập trung đông dân cư, cơ quan, công sở.
Không chỉ xử phạt nguội vi phạm giao thông mà còn phải phạt nguội cả các hành vi lấn chiếm lòng lề đường, hành lang giao thông để kinh doanh, buôn bán, sử dụng vào mục đích riêng gây mất trật tự, cản trở giao thông. Thời gian qua, Hà Nội đã rất tích cực xử phạt nhiều nhóm hành vi vi phạm như: đi bộ sai quy định; thanh thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe cơ giới… Nhưng xử lý vi phạm lấn chiếm hè đường lại có dấu hiệu chùng xuống. Thiếu không gian lưu thông, bị cản trở đã buộc nhiều người điều khiển phương tiện phải vi phạm ngoài ý muốn.
Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ ghi hình xử phạt nguội, nhất là trong bối cảnh mức phạt tăng rất cao theo Nghị định 168, cũng sẽ giúp hạn chế tối đa tiêu cực, phản ứng trái chiều của người dân. Nhưng với đặc thù của nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng là quá nhiều xe máy, trong đó không ít xe chưa quy chủ chính xác, xe cũ nát, nguồn gốc không rõ ràng, để xử phạt nguội hiệu quả còn cần đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa dữ liệu phương tiện trên cơ sở dữ liệu dân cư.
Đối với xe máy, để xử lý phạt nguội không hề dễ dàng, ngay cả khi đã có dữ liệu chủ xe đầy đủ. Bởi xe máy, xe mô tô không có quy trình kiểm định khí thải, điều kiện lưu hành như xe ô tô. Đây cũng là vấn đề đã được đưa ra bàn thảo rất nhiều. Thạc sĩ Trần Tuấn Anh cho rằng: “Việc kiểm định chất lượng an toàn và khí thải với xe máy là cần thiết, đồng thời giải quyết nhiều mục tiêu quan trọng trong quản lý phương tiện. Cần đẩy nhanh quá trình chuẩn bị cho kiểm định xe máy”.
Tuy nhiên, trước mắt vẫn cần tập trung đầu tư, thiết lập hệ thống camera phục vụ ghi hình xử phạt nguội. Thông qua đó xử phạt càng nhiều chủ xe, lái xe vi phạm sẽ càng nâng cao hiệu quả của Nghị định 168, góp phần quan trọng xây dựng nề nếp, văn hóa giao thông trong toàn dân.

Phú Thọ: xử lý hơn 1.600 trường hợp vi phạm giao thông trong dịp lễ 30/4 - 1/5
Kinhtedothi- Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ 30/4 đến 4/5), lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, qua đó xử lý 1.668 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), góp phần giữ vững an ninh trật tự và đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn.
Hà Nội: Cảnh sát giao thông tăng cường ghi hình phạt nguội, tránh nhờn luật
Kinhtedothi - Khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu "nhờn luật" của một bộ phận người đi xe máy, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã áp dụng nhiều hình thức xử phạt nghiêm minh.

Đội Cảnh sát giao thông số 6: xử lý hàng loạt xe quá tải
Kinhtedothi - Để ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải đang có dấu hiệu manh nha xuất hiện trở lại, đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 6 đã và đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.