RT đưa tin, phát biểu tại Diễn đàn Khí đốt Quốc tế St. Petersburg hôm 15/9, Phó Chủ tịch tập đoàn năng lượng Nga Gazprom Oleg Aksyutin cho biết, đường ống Nord Stream 2 có thể giải quyết tình trạng khan hiếm khí đốt ở châu Âu, nhưng giải pháp này đang bị lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phản đối.
"Sẽ không có lựa chọn phù hợp nào khác ngoài việc cung cấp khí đốt cho châu Âu bằng đường ống của Nga. Không một quốc gia nào có thể cung cấp tài nguyên và các lĩnh vực tương đương với vùng Siberia và Bán đảo Yamal. Không có nhà cung cấp năng lượng nào có thể tăng nguồn cung khí đốt bằng cách sử dụng các hệ thống đường ống theo các điều khoản mà Gazprom đưa ra,” ông Aksyutin tuyên bố.
Theo quan chức Gazprom, lập trường của Brussels đối với khí đốt của Nga và các biện pháp mà EU đang thực hiện để giảm bớt sự phụ thuộc khiến nền kinh tế châu Âu trở nên kém hiệu quả và mất khả năng cạnh tranh.
Đồng thời, ông Aksyutin cho rằng, ý tưởng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga bằng cách đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ khắp nơi của EU là thiếu tính khả thi, vì không có nước nào đủ khả năng cung cấp LNG cho thị trường toàn cầu cũng như tăng đáng kể sản lượng trong 2 năm tới.
Đường ống Nord Stream 2 có công suất hàng năm là 55 tỷ mét khối được hoàn thành vào cuối năm ngoái, song hiện đang bị Berlin ngừng xem xét cấp giấy phép hoạt động. Theo giới chuyên gia, tuyến đường ống này có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, đặc biệt khi tuyến đường ống Nord Stream 1 đã ngừng hoạt động vô thời hạn do các vấn đề kỹ thuật. Các đường ống chính còn lại để khí đốt của Nga đến châu Âu là một đường ống qua Ukraine và đường ống Turkstream qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Financial Times ngày 15/9 cho biết Mỹ không thể xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU thông qua các lô hàng dầu và khí đốt.
Trong vài tháng qua, châu Âu đã tăng mua dầu và LNG từ Mỹ để đảm bảo các nguồn cung cấp mới khi thoát dần khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ nói rằng họ không thể tăng mức sản lượng hiện tại lên quá nhiều trong ngắn hạn để bù đắp nguồn cung dầu của Nga khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực vào cuối năm nay.
"Mỹ không có khả năng bơm thêm nữa. Chúng tôi chỉ có thể duy trì sản lượng hiện tại,” ông Wil VanLoh, người đứng đầu hãng đầu tư tư nhân Quantum Energy Partners, một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong ngành đá phiến, nói với tờ Financial Times. Theo ông VanLoh, các nhà sản xuất Mỹ không thể giải cứu châu Âu, cả về dầu mỏ lẫn khí đốt.
Trong khi đó, ông Scott Sheffield - giám đốc điều hành của Pioneer Natural Resources, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Mỹ, cho biết: “Chúng tôi không bổ sung thêm giàn khoan và tôi không thấy bất kỳ công ty nào bổ sung thêm giàn khoan”.
Theo báo cáo, tổng giàn khoan dầu khí đang hoạt động ở Mỹ không tăng trong nhiều tuần gần đây. Trong khi đó, năng suất của các giàn khoan đang hoạt động giảm.
Mặc dù Washington kêu gọi ngành công nghiệp đá phiến tăng sản lượng để hạ giá xăng dầu trong nước nhưng các chuyên gia nhận định các nhà đầu tư khó có khả năng thực hiện điều này.