KTĐT - “Nhờ chương trình kích cầu và chính sách tiền tệ nới lỏng, nền kinh tế Việt Nam đã chống chọi tương đối tốt với những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong quý 3/2009, GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, gần bằng mức tăng trưởng bình quân 5,3% của khu vực châu Á trừ Nhật Bản”, báo cáo viết.
Báo cáo vừa công bố của Goldman Sachs đánh giá tích cực về sự phục hồi tăng trưởng, đồng thời chỉ ra những rủi ro trong nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện nay.
Trong báo cáo về kinh tế Việt Nam đề ngày 3/12/2009, ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ nhận định, sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam từ quý 2/2009 tới nay là kết quả chủ yếu của nhu cầu nội địa.
“Nhờ chương trình kích cầu và chính sách tiền tệ nới lỏng, nền kinh tế Việt Nam đã chống chọi tương đối tốt với những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong quý 3/2009, GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, gần bằng mức tăng trưởng bình quân 5,3% của khu vực châu Á trừ Nhật Bản”, báo cáo viết.
Tác giả thực hiện báo cáo, nhà phân tích Hellen Qiao của Goldman cho rằng, tiêu dùng cá nhân của Việt Nam đã phục hồi khỏi mức đáy trong thời gian khủng hoảng, một mặt nhờ tình hình tài chính tốt của các hộ gia đình, mặt khác nhờ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp.
Bên cạnh đó, báo cáo của Goldman chỉ rõ, tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư cũng đã khởi sắc, dựa trên gói kích cầu của Chính phủ, mức lãi suất hạ và chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay. “Với sự sa sút của hoạt động đầu tư ở thời điểm cuối năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã vào cuộc, khởi xướng và cung cấp vốn cho nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng… Quan trọng hơn, đầu tư của khối tư nhân (chủ yếu là trong ngành bất động sản) cũng tăng tốc ”, báo cáo nhận định.
Goldman cho rằng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với thời kỳ đỉnh cao trước đây.
Báo cáo chỉ rõ, thặng dư thương mại của Việt Nam ở thời gian đầu năm là kết quả chính từ sự sụt giảm mạnh của nhập khẩu do nhu cầu nội địa suy giảm. Sau đó, nhu cầu nội địa phục hồi nhanh, kéo theo sự tăng tốc của nhập khẩu giữa lúc xuất khẩu phục hồi chậm, khiến cán cân thương mại của Việt Nam lại rơi vào tình trạng thâm hụt.
Bản báo cáo khẳng định, chính sách kích cầu của Chính phủ Việt Nam đã thành công, nhưng chuẩn bị đi vào hồi kết.
Ở chính sách tài khóa, báo cáo của ngân hàng này cho rằng, mặc dù một phần của chính sách tài khóa mở rộng hiện nay sẽ còn tiếp tục sang năm 2010, tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Việt Nam so với GDP năm tới sẽ không tăng. Goldman dự báo, thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm nay ít nhất sẽ ở mức 9%.
Về chính sách tiền tệ, báo cáo nhận định, sau khi áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm 2009, nhiều khả năng sang năm 2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện thắt chặt chính sách này.
“Chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng sắp kết thúc, với việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp thắt chặt như tăng lãi suất hay hút bớt thanh khoản để chống lạm phát trong năm 2010”, chuyên gia của Goldman dự báo.
Về chính sách tỷ giá, Goldman dự báo, Việt Nam sẽ duy trì sự giảm giá dần dần của VND so với USD, trừ trường hợp tình hình cán cân thanh toán xấu đi. “Sau lần tăng tỷ giá USD hồi cuối tháng 11, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ nỗ lực giảm tốc sự mất giá của đồng nội tệ để duy trì niềm tin vào đồng tiền này”, báo cáo có đoạn viết.
Song song với việc hoan nghênh những nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ Việt Nam, báo cáo của Goldman cũng chỉ ra một số thách thức mang tính chu kỳ mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt ở thời điểm hiện nay.
Thách thức thứ nhất là những áp lực lạm phát có chiều hướng tăng. Theo báo cáo, tốc độ tăng CPI của Việt Nam hiện nay so với cùng kỳ năm ngoái vẫn thấp, nhưng nếu so tháng trước với tháng sau thì có thể thấy các áp lực lạm phát đã tăng trở lại. Các mặt hàng lương thực và thực phẩm đã đóng góp nhiều nhất vào sự gia tăng của áp lực lạm phát.
Thách thức thứ hai mà báo cáo chỉ ra là tình hình thâm hụt cán cân thanh toán của Việt Nam. Theo Goldman, song song với thâm hụt thương mại, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam cũng đã giảm xuống. Tuy nhiên, báo cáo cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ có đủ khả năng để kiểm soát những rủi ro liên quan tới cán cân thanh toán.
Goldman cho rằng, rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam đang đến từ hai phía. Một mặt, sự thành công của chính sách kích cầu, cộng với nhu cầu trong và ngoài nước phục hồi tốt, kéo theo rủi ro lạm phát gia tăng. Mặt khác, nếu các biện pháp thắt chặt được thực hiện “quá tay”, Việt Nam có thể phải đương đầu với nguy cơ suy giảm tăng trưởng cũng như những khó khăn trong cán cân thanh toán.
“Năm tới có thể sẽ là một năm quan trọng nữa khi mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đối mặt với thách thức trong việc giảm áp lực lạm phát mà không tác động bất lợi tới tăng trưởng. Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan thận trọng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 năm tới trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam nỗ lực đảm bảo một môi trường vĩ mô ổn định để tạo ra sự tăng trưởng bền vững”, báo cáo viết.
Theo dự báo mà Goldman đưa ra trong báo cáo lần này, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay và 8,2% trong năm 2010.