Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cà phê hôm nay 14/10: Nỗi lo lạm phát và khủng hoảng năng lượng tác động mạnh đến thị trường cà phê

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 14/10 trong khoảng 39.800 - 40.700 đồng/kg. Sau phiên tăng mạnh hôm qua, cà phê 2 sàn kỳ hạn thế giới điều chỉnh giảm nhẹ trong ngày khóa sổ vị thế kinh doanh.

Giá cà phê hôm nay 14/10: Nỗi lo lạm phát và khủng hoảng năng lượng toàn cầu tác động mạnh đến thị trường cà phê
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.800 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.700 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.600 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.600 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.500 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.600 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.500 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.600 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm 100 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 giảm 11 USD/tấn ở mức 2.133 USD/tấn, giao tháng 1/2022 giảm 8 USD/tấn ở mức 2.143 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 4,5 cent/lb ở mức 208,65 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 4,45 cent/lb ở mức 211,6 cent/lb.

Sau phiên tăng mạnh hôm qua, cà phê 2 sàn kỳ hạn thế giới điều chỉnh giảm nhẹ trong ngày khóa sổ vị thế kinh doanh.

Liên đoàn Cà phê Colombia (FNC) đã phủ nhận tin đồn việc trì hoãn giao hàng khoảng 1 triệu bao (người trồng cà phê cho rằng họ phải chịu thiệt không đáng có, khi đã ký hợp đồng bán vào lúc giá kỳ hạn ở mức quá thấp, nhưng cũng có thể do sản lượng vụ Mitaca sụt giảm). Theo FNC, chủ yếu là do các cuộc biểu tình phong tỏa đường cao tốc dẫn ra các cảng xuất khẩu và nhất là do các hãng vận tải biển chậm trễ vì đại dịch Covid-19, trong khi FNC khẳng định năm nay được mùa với sản lượng hơn 13 triệu bao.

Hiện nay, các thị trường cà phê kỳ hạn là sân chơi ưa thích của các nhà đầu cơ tài chính, do sự nhạy bén và tính thanh khoản cao hơn là do yếu tố cung cầu hàng hóa. Do vậy, theo các chuyên gia, câu chuyện tăng giảm trên sàn nhiều khi không còn theo yếu tố thị trường, mà nhiều khi do đầu cơ.

Sự tác động chính vào lúc này là từ mối lo lạm phát toàn cầu gia tăng đã đẩy USDX tăng liên tiếp và làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất cơ bản USD trong phiên họp chính sách cuối năm, vào tháng 11 sắp tới. Trong khi thông tin OPEC+ tăng mức khai thác đầu thô thêm 400.000 thùng/ngày không được xác thực khiến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu vào mùa đông năm nay càng thêm sâu sắc.

Còn về cung cầu, chỉ trong 9 tháng đầu năm, cháy rừng, hạn hán, băng giá lần lượt đổ bộ và tàn phá vào Brazil khiến nông dân trồng cà phê mất trắng. Dự báo sản lượng cà phê của Brazil năm 2021 giảm hơn 25%, các doanh nghiệp bắt đầu vào cuộc chiến tranh giành nguồn cung.

Còn tại Việt Nam, việc giãn cách xã hội khiến hoạt động chế biến và xuất khẩu cà phê bị trì hoãn. Cùng với đó, sương giá và thời tiết khắc nghiệt tại Brazil càng khiến thị trường lo ngại việc nguồn cung cà phê cho thế giới thời gian tới sẽ giảm mạnh. Điều này đã đẩy giá cà phê lên mức cao nhất trong 4 năm.