Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 28/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI được giao dịch ở mức 97,62 USD/thùng, tăng 6.03 USD, tương đương 6,58%.
Còn giá dầu Brent giao dịch ở mức 104,05 USD/thùng, tăng 6,25%, tương đương 6,12 USD.
Các chuyên gia nhận định, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đã đỏ sàn, có thời điểm rớt giá về mức trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Những diễn biến xoay quanh cuộc chiến Nga - Ukraine vào cuối tuần đã đẩy giá dầu nhanh chóng “tăng tốc” trở lại.
BP, tập đoàn dầu khí có trụ sở ở Anh, trong một tuyên bố hôm 27/2 cho biết, họ đã loại bỏ 20% cổ phần của mình khỏi Công ty dầu khí quốc doanh Nga Rosneft mà họ nắm giữ từ năm 2013. Đây là một dấu hiệu rõ ràng về phản ứng dữ dội của công ty đối với chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga thực hiện tại Ukraine.
Theo tuyên bố này, tập đoàn sẽ không báo cáo trữ lượng, sản lượng hoặc lợi nhuận từ Rosneft nữa và giám đốc điều hành Bernard Looney sẽ từ chức khỏi hội đồng quản trị Rosneft và “có hiệu lực ngay lập tức”.
Chủ tịch của BP Helge Lund, mô tả cuộc tấn công của Nga vào Ukraine “đang gây ra hậu quả bi thảm trên toàn khu vực” và cho biết việc loại bỏ 20% cổ phần khỏi Rosneft là “vì lợi ích dài hạn tốt nhất cho tất cả cổ đông của chúng tôi”.
Cũng trong ngày 27/2, nhiều vụ nổ đã được ghi nhận tại các kho nhiên liệu và đường ống dẫn khí đốt của Ukraine, trong đó có đám cháy bùng phát dữ dội tại kho chứa nhiên liệu Vasilkovskaya ở thành phố Vasilkov, phía tây nam thủ đô Kiev. Vasilkov là nơi có căn cứ của không quân Ukraine. Đường ống dẫn khí đốt ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine cũng đã phát nổ.
Cuối tuần trước, Ấn Độ cũng đã cam kết ủng hộ lời kêu gọi giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” giá dầu. Tuy nhiên, nước này không cho biết cụ thể sẽ giải phóng bao nhiêu và khi nào giải phóng dầu.