Giá dầu lao dốc, ​Ả Rập Saudi “ngấm đòn”?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu sụt giảm mạnh trong thời gian qua đã đặt nhiều áp lực lên “ông vua dầu mỏ” Ả Rập Saudi. Theo nguồn tin thân cận của hãng Sputnik, Ả Rập Saudi đang triển khai xem xét cắt giảm hàng tỷ USD ngân sách vào năm 2016.

Giá dầu thế giới giảm hơn 50% kể từ cuối năm ngoái xuống dưới 40 USD/thùng đã ảnh hưởng nặng nền đến nền kinh tế Trung Đông với 90% nguồn thu ngân sách từ vàng đen này. Cụ thể, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ phải cắt giảm ít nhất 10% trong tổng số 102 tỷ USD ngân sách dành cho đầu tư chi tiêu.

Trong hơn 1 năm qua, Ả Rập Saudi đã từ chối giảm sản lượng để nâng giá nhiên liệu quý này, ngay cả khi điều này cực kỳ tốn kém, nhằm cạnh tranh với Nga và các nhà xuất khẩu dầu lớn khác trong cuộc chiến giành thị phần.
Giá dầu lao dốc, ​Ả Rập Saudi “ngấm đòn”? - Ảnh 1
Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), quốc gia này sẽ thâm hụt ngân sách tới 20% GDP cho đến cuối năm nay. Dự trữ ngoại hối của NH T.Ư nước này đã giảm 10%, tương đương 70 tỷ USD, so với năm ngoái. IMF từng lên tiếng nhắc nhở, Ả Rập Saudi nên kiểm soát mức tăng lương, dần thay đổi trong việc trợ cấp nhiên liệu và điện, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập khác bên cạnh dầu mỏ.

Bên cạnh việc xem xét cắt giảm chi tiêu, lần đầu tiên kể từ năm 2007, Ả Rập Saudi đã phải huy động vay nợ thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn 12 tháng. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đang xem xét trì hoãn hoặc cắt giảm dự trù kinh phí cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm tiết kiệm ngân khố.

Các yếu tố khác góp phần làm suy yếu nền kinh tế bao gồm xung đột tại Yemen cũng như chi tiêu nội địa tăng lên. Chi phí duy trì hoạt động vương quốc quá lớn, người dân Ả Rập Saudi từ lâu đã quen với cuộc sống giàu có. Quốc gia này không hề có thuế thu nhập cá nhân, trong khi người dân còn được hưởng trợ cấp khí đốt và năng lượng. NH T.Ư đã kêu gọi xem xét dỡ bỏ mức trợ cấp nói trên. Tuy nhiên với hơn 30 triệu dân đã quen với cuộc sống được bảo hộ trong nhiều năm qua, những bước đi này có thể vấp phải chỉ trích, mang đến nguy cơ bất ổn xã hội chính trị.