Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá điện thấp quyết định mua xe điện của người tiêu dùng Đông Nam Á

Hương Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khảo sát mới nhất về người tiêu dùng ô tô toàn cầu do Deloitte thực hiện tại sáu quốc gia trong khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Chi phí nhiên liệu thấp hơn, lo ngại về biến đổi khí hậu/giảm lượng khí thải và trải nghiệm lái xe tốt hơn là các yếu tố hàng đầu thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á quyết định mua xe điện.

Trạm sạc điện của hãng VinFast ở trung tâm thương mại của Vincom. Ảnh: Vingroup
Trạm sạc điện của hãng VinFast ở trung tâm thương mại của Vincom. Ảnh: Vingroup

Theo kết quả khảo sát mới nhất, công ty tư vấn Deloitte chỉ ra 64% số người Việt được hỏi đều kỳ vọng về chi phí nhiên liệu thấp hơn khi họ mua xe điện. Bên cạnh đó, yếu tố quan tâm đến sức khoẻ cá nhân cũng ảnh hưởng đến việc quyết định mua xe điện của người Việt (với 54% số người trả lời).

Tuy nhiên, việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện ở nơi công cộng và quãng đường đi được vẫn là những rào cản đối với việc sử dụng xe điện ở Đông Nam Á.

Trung bình người tiêu dùng Đông Nam Á kỳ vọng quãng đường đi được tối thiểu sau một lần sạc đầy pin là 491 km. Malaysia, Singapore và Thái Lan là ba quốc gia ghi nhận mức kỳ vọng cao nhất về quãng đường đi được. Việt Nam có mức kỳ vọng thấp hơn so với mức trung bình quãng đường đi được.

Hầu hết người tiêu dùng ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam (với 64%) số người mong muốn sạc xe điện tại nhà khi sử dụng xe ô tô điện. Gần 30% số người Việt Nam chọn điểm sạc trên phố hoặc trạm sạc công cộng và 10% số người còn lại chọn sạc điện tại nơi làm việc.

Hơn 50% số người Việt Nam có ý định sạc xe điện tại nhà muốn sử dụng kết hợp giữa lưới điện thông thường và nguồn điện thay thế, trong khi 41% số còn lại muốn dùng lưới điện thông thường.

Điều cản trở hơn 40% số người trả lời họ không muốn sạc xe điện tại nhà chính là do chi phí lắp đặt bộ sạc rất cao, trong khi 31% số người còn lại cho biết họ không có khả năng để lắp đặt.         

Nhìn chung, người tiêu dùng Đông Nam Á chần chừ việc mua xe điện vì lo ngại cơ sở vật chất sạc điện công cộng không đáp ứng được. Các rào cản khác bao gồm chi phí/phí bảo hiểm, các mối quan tâm về an toàn liên quan đến công nghệ pin và thời gian cần thiết để sạc đầy.

Giá điện tăng sẽ khiến người tiêu dùng khu vực này cân nhắc lại việc mua xe điện nếu giá điện cao bằng giá nhiên liệu hoá thạch, trong đó số người Việt trả lời chiếm tỷ lệ cao nhất (với 71%) trong khu vực Đông Nam Á (mức trung bình 53%).

Tại Việt Nam, ngoài xe điện VF e34 của VinFast đã được lăn bánh, trên thị trường hiện mới chỉ xuất hiện một số dòng xe điện cỡ nhỏ của Trung Quốc hoặc chiếc Taycan của Porche, nhưng số lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, thị trường xe điện Việt Nam dự kiến sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi những dòng xe khác được du nhập vào nước ta, chẳng hạn như việc THACO đã công bố kế hoạch đưa mẫu xe điện KIA EV6 về Việt Nam.

Trong buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Bắc tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Nhật – đại diện dự án liên quan đến hạ tầng điện của VinFast cho biết, VinFast đặt mục tiêu xây dựng 150.000 cổng sạc với 3.000 trạm sạc điện trong toàn quốc, nhằm đảm bảo việc lưu thông của xe điện. Trong đó, tại các tỉnh phía Bắc sẽ xây dựng khoảng 200 trạm sạc với các trụ sạc được đầu tư có công suất 60kW, 150kW và 300kW. Thời gian dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II và quý III/2022.

Đại dịch Covid-19 đã có tác động đáng kể đến người tiêu dùng Đông Nam Á khi một tỷ lệ lớn có ý định mua xe để tránh việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Xu hướng này thể hiện rõ rệt nhất ở Việt Nam, và không quá rõ ở Malaysia và Singapore. Khoảng 45% số người Việt cho rằng phương tiện cá nhân vẫn là lựa chọn di chuyển ưa thích trong tương lai, trong khi chỉ có 6% số người muốn đi bằng phương tiện công cộng.

Khảo sát này được Deloitte thực hiện trên hơn 26.000 người tiêu dùng tại 25 khu vực địa lý từ tháng 09 đến tháng 10/2021.

Công ty tư vấn nước ngoài này đã tìm hiểu các vấn đề khác nhau ảnh hưởng đến ngành ô tô toàn cầu, bao gồm sự phát triển của công nghệ tiên tiến, tính bền vững, kỳ vọng về chi phí đối với các loại xe mới, trải nghiệm mua hàng trực tuyến, và dịch vụ di chuyển.