Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá điện tính... như cước điện thoại

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều ý kiến về sự minh bạch trong giá bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương đề xuất cơ chế giá điện 2 thành phần, gồm giá công suất và điện năng.

Theo đó, người sử dụng điện phải trả cho công suất đăng ký sử dụng và phần phải trả cho lượng điện năng tiêu thụ. Cơ chế giá điện này nôm na giống với giá cước điện thoại cố định, tức là một số tiền cố định gọi là tiền thuê bao hàng tháng, dù không nghe gọi gì, gọi là giá công suất. Phần thứ 2 là tính trên lượng điện năng tiêu thụ, gọi là giá điện năng.

Về lộ trình áp dụng giá điện 2 thành phần, EVN đề xuất qua hai giai đoạn là thử nghiệm và chuyển đổi (áp dụng chính thức thí điểm với khách hàng được lựa chọn). Lộ trình áp dụng giá điện này từ năm 2025 nếu giai đoạn thử nghiệm được triển khai và kết thúc như dự kiến. Thực tế hiện nay với việc áp dụng giá điện một thành phần, tiền điện sẽ trả theo sản lượng dùng. Cách tính này được đánh giá chưa phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...). Trong khi đó cơ chế giá điện 2 thành phần sẽ thêm phần giá cho công suất đăng ký sử dụng.

Cụ thể, nhà cung cấp sẽ đưa ra các gói sản phẩm tương ứng biểu giá khác nhau phù hợp với đặc điểm của từng khách hàng. Ví dụ, hai khách hàng cùng tiêu thụ 30kWh/ngày nhưng khách hàng dùng 30kWh trong 1 giờ sẽ được tính giá khác với khách dùng 30kWh trong vòng 24 giờ. Như vậy có thể thấy cơ chế biểu giá điện 2 thành phần phản ánh chính xác chi phí phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng, là chi phí đường dây, trạm biến áp và chi phí điện năng… Cơ chế này sẽ giúp giảm việc bù chéo giữa các khách hàng. Bên cạnh đó, cũng tránh các khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng không dùng.

Về lộ trình, việc áp dụng biểu giá điện này dự kiến sẽ chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thử nghiệm "trên dữ liệu thời gian thực" nhưng vẫn dùng biểu giá bán lẻ hiện hành để tính hóa đơn tiền điện, thực hiện hết năm 2024. Kết quả tính toán này sẽ dùng để so sánh, đánh giá và có điều chỉnh phù hợp hoàn thiện biểu giá.

Cùng với đó các văn bản pháp lý sẽ được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn chuyển đổi - áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần. Sau giai đoạn này, đơn vị tư vấn đề xuất áp dụng giá hai thành phần thí điểm cho khách hàng sản xuất lớn trong tập khách hàng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), theo Nghị định 80/2024/NĐ-CP. Tức là, việc thí điểm được đề xuất cho khoảng 7.000 khách hàng có lượng tiêu thụ điện trung bình từ 200.000 kWh/ tháng. Các nhóm khách hàng khác tiếp tục thực hiện biểu giá hiện hành.

Mặc dù phương án mà EVN đề xuất được đánh giá là cần thiết để tiến tới triển khai cho phần lớn khách hàng ở các giai đoạn áp dụng chính thức nhưng yêu cầu đặt ra là ngành điện, trước hết phải xây dựng một kịch bản theo lộ trình, dựa trên những phương án đưa ra và trên kết quả của quá trình thí điểm. Và quan trọng nhất trong quá trình thí điểm không làm đội giá điện của người dân, mà chỉ quan sát, sau đó sử dụng kết quả thí điểm đó để tính toán và đưa ra một phương án phù hợp. Đối tượng áp dụng thí điểm nên bắt đầu từ khu công nghiệp, từ hoạt động sản xuất, vì đây là những đơn vị tiêu thụ nhiều điện nhất và tạo ra sự lãng phí công suất nhất.