[Gia đình] Mưa chiều Chủ nhật

Nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều Chủ nhật bỗng nhớ đến thời thuở mới thiếu niên đã đi viết thư tình hộ cho người anh họ. Thật may mắn là những bức thư mùi mẫn đó lại là nhịp cầu nối giữa anh và cô gái hàng xóm xinh đẹp…

Nhanh thật, lại một Chủ nhật nữa rồi và thế là một tuần đã qua trong vô vị và nhàm chán. Một nghịch lý không hề có trong lịch sử phát triển, không phải chỉ có ở riêng tôi mà có ở rất nhiều người khác đó là mùa dịch thì kéo dài lê thê không biết bao giờ mới hết, với bao nhiêu đau thương mất mát mà nhiều bài viết và nhiều người cũng đã kể ra.
Chiều nay lại là một buổi chiều Chủ nhật, ngoài trời mưa bắt đầu rơi và dần nặng hạt. Những đốm bong bóng nổi lên mặt nước đang loang dần trên sân nhà, gió vẫn giật lên từng cơn mang đến cho tôi cảm giác ớn lạnh của người ốm đã lâu ngày, nay mới chuyển sang giai đoạn hồi phục. Tôi đã chứng kiến cơn mưa vật vã ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng không nơi nào có những cơn mưa khiến tôi xao xuyến trong lòng như những cơn mưa ở Sài Gòn.

Ngày tôi mới chân ướt chân ráo rời Hà Nội vào đến quê hương thứ hai và là quê hương cuối cùng của một đời người tuy dài mà rất ngắn. Những cơn mưa chợt đến và vội đi là dấu ấn của đất trời của vùng đất phương Nam đầy gió và nắng này. Do mới vào và rất nghèo nên tôi ở nhờ nhà của cô tôi, chị ruột của ba tôi căn gác gỗ trong một hẻm nhỏ trên một con đường lớn rợp mát bóng cây dầu cao vút hai bên đường. Của đáng tội, phía trước nhà tôi ở là một căn nhà hai tầng màu trắng của một cặp vợ chồng công chức của chế độ cũ với 5 cô con gái đến tuổi cập kê và khá xinh đẹp. Cô Tư hình như có cảm tình với tôi nên chiều nào cũng lên gác ngồi học bài và nhìn qua nhà tôi, lúc đó tôi mới 14 tuổi cô gái hơn tôi hai tuổi. Tuy nhiên nếu không có mưa thì khung cảnh bớt phần thơ mộng, nên tôi luôn cầu mong buổi chiều nào trời cũng mưa để tôi được ngắm nàng qua màn nước rơi đều đều trước căn gác nhỏ của chàng học trò nghèo mà lòng đầy xao xuyến của tuổi chớm biết rung động. Cũng chính nhờ khung cảnh mưa rơi gác nhỏ như vậy đã giúp tôi viết được những bức thư tình đẫm lệ giống như kẻ viết thư thuê thời trung cổ ở châu Âu.

Số là, tôi có người anh họ bên nội quê ở Đồng Tháp lên Sài Gòn làm công trong một tiệm làm đồ sắt. Nhiệm vụ là hàn đồ, công việc hàng ngày cũng khô khan và nhàm chán. Tuổi 20 sức dài vai rộng, anh mang lòng yêu thương một cô hàng xóm tuổi vừa trăng tròn 18 mới tốt nghiệp lớp 12 phổ thông trung học Trưng Vương, một trường học hồi đó chỉ có các nữ sinh theo học. Tuy văn hóa mới chỉ hết lớp ba chữ nghĩa vừa đủ viết với khá nhiều lỗi chính tả kèm với khả năng đọc mới thoát đánh vần, nhưng anh muốn viết thư cho nàng, những bức thư tình thật cảm động. Anh bàn và nhờ em mình, tức là tôi, mới 14 tuổi chưa một mối tình vắt vai, nhưng lại đọc khá nhiều tiểu thuyết ngôn tình của chế độ cũ để lại, viết thư tình hộ cho anh gửi tới nàng. Và thế là, hầu như chiều nào những lá thư tình có cánh bay tới tấp vào tay cô cựu nữ sinh Trưng Vương. Lời lẽ trong thư ngày càng bay bổng và ướt đẫm nước mắt, nhất là khi thư được viết trong những buổi chiều mưa Sài Gòn và nhà bên kia cô Tư đang học bài chuẩn bị cho buổi học sáng mai. Thật là lãng mạn và đáng sống, một công được cả đôi việc.

Thời đó Sài Gòn rơi vào cảnh đói kém sau chiến tranh, nhà nào cũng khổ cả. Nhưng khổ nhất là những người đang tuổi lớn như tôi, cơm không được ăn no, sáng ra nhiều khi phải nhịn khẩu phần bánh mì sáng khoảng nửa ổ tích cóp lại để làm bánh mì hấp theo yêu cầu của bà giúp việc và thế là tôi - “chàng trai nước Việt” lại cắp cặp trên vai đi học với cái dạ dày lép kẹp. Hình như bụng càng đói và trời càng nhiều mưa thì văn chương chữ nghĩa càng lai láng. Hôm nay, trong khi tôi đang viết những dòng tản văn này, ngoài trời mưa vẫn không ngừng rơi, dễ cũng hơn một tiếng đồng hồ rồi. Tiếng ca sĩ vẫn réo rắt bên tai: “Mưa có rơi và nắng có phai”... Trong thời gian này, tôi cũng viết được cho anh họ tôi khá nhiều bức thư tình đẫm lệ và bà chị dâu tương lai của tôi càng ngày càng yêu mê mệt ông anh văn sĩ lớp ba của mình. Sáu tháng sau, họ cưới nhau và trong đêm tân hôn, tân giai nhân đề nghị chú rể đọc vài câu thơ của một nhà thơ theo trường phái lãng mạn cách mạng mà nàng đã học được khi còn ngồi ghế nhà trường, nhưng chàng thì tắc tị vì mọi kịch bản chưa được chuẩn bị kỹ càng.

Sáu tháng sau khi nàng phát hiện ra chàng là nhà văn giả hiệu, chàng và nàng dắt díu nhau về quê sống đời thanh bạch, bần hàn nhưng đầy hạnh phúc. Những bức thư tình được họ giữ gìn cẩn thận và họ luôn cám ơn nhờ có ông em là nhà văn nửa mùa ấy mà họ có được hạnh phúc ngày hôm nay.

Mưa vẫn rơi đều đặn, cám cơn mưa chiều Chủ nhật nhờ người mà tôi viết lại được những kỷ niệm dễ thương này và quên đi những vô vị chán ngắt của những ngày giãn cách đang chậm chạp trôi qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần