[Gia đình] Ngôi nhà... chia nửa vầng trăng

Cát Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Anh lại đi làm", chị nghe tiếng lạch cạch mở cửa lúc sáng sớm và nghĩ vậy. Đã hơn 2 tháng nay, chị không gặp anh, chỉ nhìn thấy thoáng qua và nghe giọng nói hơi khàn thường thấy của anh. Chị bỗng ứa nước mắt vì cảm thấy anh hơi tiều tụy.

Mùa dịch, thành phố giãn cách xã hội, ai ở nhà đấy. Chị và 2 đứa con ở nhà. Anh là bác sĩ nên phải đi làm, đến bệnh viện, đi chích ngừa… Trước đó, anh và chị bàn nhau về phương án tổ chức lại gia đình. Chị và hai đứa ở nhà cố gắng tuân thủ quy định của nhà nước. Hai đứa nhỏ lập kế hoạch học hành, học thêm ngoại ngữ và luyện đàn. Nhà chị có đứa con út chơi organ rất giỏi; đứa lớn chỉ hơi khá thôi. Chị lo cơm nước, thực phẩm dự trữ đủ ba tháng gồm gạo, mì, miến, thịt hộp, cá hộp, lạp xưởng… Điều quan trọng là anh và chị cùng các con sẽ tạm thời xa cách ít nhất cho đến khi tình hình được ổn. Nhà chị phải bố trí lại không gian sinh hoạt. Anh sẽ ở tầng 1. Tầng 2 dành cho nấu ăn. Tầng 3 và 4 là nơi chị và các con ở. Như vậy, cứ mỗi lần anh đi làm về sẽ sinh hoạt ở tầng 1, chị đã để sẵn thức ăn cho anh. Việc trao đổi giữa anh và chị chủ yếu qua điện thoại…
  Ảnh minh họa
Mọi chuyển tưởng đơn giản nhưng khá phức tạp. Bởi, do công việc không phải anh lúc nào cũng về đúng giờ, nên nhiều lúc để cơm canh nguội ngắt, có khi chi phải hâm đi, hâm lại mấy lần. Anh đã quen việc chị chăm sóc từ chuẩn bị cơm nước, quần áo nên khá vất vả khi phải tự lo, trong khi đi làm về khá mệt. Chị thì âu sầu vì lo anh ngã bệnh, lo bị lây Covid… Những lúc anh không ăn hết phần cơm là lúc chị cảm thấy lo hơn.

Tuy nhiên, điều khiến chị buồn nhất là gia đình họ tuy ở một nhà nhưng phải chia đôi. Chị lâu nay không còn nghe tiếng nói chuyện vui vẻ, rổn rảng của anh. Hồi mới làm quen nhau, chị rất ít khi nghe anh nói. Lúc đó, anh chỉ là y sĩ làm ở bệnh viện huyện. Bà mẹ anh sau này cũng nhắc lại: “Nó hồi trẻ không chịu nói, chứ không như bây giờ nói suốt ngày”. Điều chị phục và mến mộ anh nhất để khiến chị - một cô giáo dạy ngoại ngữ - xiêu lòng là ý chí và sự ham học hỏi của anh. Là y sĩ đã có nghề nghiệp ổn định nhưng anh không bao giờ nguôi khát khao được học đại học để làm bác sĩ. Sau đó, nhờ có dịp trong chính sách thi tuyển y sĩ đi học bác sĩ, anh đi thi và đậu. Từ một y sĩ, anh trở thành sinh viên y khoa đại học, anh cố gắng học và là một trong những người học xuất sắc nhất khóa và được làm tại bệnh viện của trường, sau đó là giảng viên của trường. Bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, anh luôn đặt kim chỉ nam cho đời mình là làm việc, nhất là trong nghề y, phải sống từ tâm. Anh cũng luôn sát canh cùng chị lo cho gia đình, dạy dỗ con cái. Trong nhà, anh nói nhiều nhất, kể chuyện cười khiến cả nhà vui vẻ.

Ấy vậy mà, giờ mỗi ngày, chi và các con chỉ nghe tiếng anh chào hỏi, khi đi làm về và tiếng lạch cạch sáng sớm anh mở cửa dắt xe máy đi làm. Có lần chị hỏi anh: “Đi làm vậy chắc có tiếp xúc với F0, F1…”. Anh vẫn vui vẻ đáp: “Làm sao tránh khỏi, nhưng bọn anh có bảo hộ cẩn thận”. Anh nói thêm, mình đã được chích ngừa hai mũi vaccine nên đỡ đi phần nào nếu lây nhiễm. Nếu bác sĩ nào cũng chỉ lo cho bản thân thì lấy ai lo cho bệnh nhân? Nghe anh giải thích, chị vừa cảm thấy yên tâm hơn vừa càng thương anh hơn.

Đã rất nhiều năm, chị luôn tự hào là cứ mỗi lần gặp gỡ bạn bè, mọi người đều khen chị giỏi. Họ nói: “Hồi đó mày là hoa khôi, là giáo viên dạy ngoại ngữ lại ưng cái anh y sĩ ở miệt vườn. Bây giờ mới thấy mày giỏi thiệt”. Họ nói thêm, họ thán phục anh vì sự vươn lên không ngừng để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực y khoa. Là người thành đạt mà anh vẫn bình dị như xưa, chỉ khác là anh vui vẻ và nói nhiều hơn thôi.

Thành phố bắt đầu lên đèn. Chị nhìn qua cửa sổ xuống con hẻm nhỏ trước nhà. Chỉ khoảng 1 tiếng nữa là anh về, chị xuống bếp chuẩn bị cơm nước. Cuộc sống tuy cam go nhưng cũng phải tiếp tục. Chị thầm mong, anh lại trở về bình an sau một ngày làm việc vất vả. Chị mong, dịch bệnh sớm được kiểm soát, sớm kết thúc, để gia đình chị không như vầng trăng chia đôi mà trở nên trọn vẹn, rực rỡ.