Vẫn mãi “vợ là bà nội trợ”!
Hồi yêu nhau, chồng tôi nói rằng lương sẽ chia ba, một phần gửi về báo hiếu bố mẹ, một phần đưa vợ, một phần chi tiêu cá nhân. Sau cưới về, chồng lơ đãng quên mất… Tôi cũng nghĩ chả cần tiền chồng vì tôi cũng có công việc, kiếm được tiền, tự lập. Vợ chồng cũng được nội ngoại hai bên hỗ trợ, nhà xe đủ cả rồi nên chưa bị áp lực gì. Tôi để tiền ai nấy tiêu, chồng tôi kiếm được nhiều hơn nên sẽ phải chỉ trả tiền điện nước, mua sắm các thiết bị lớn và phí dịch vụ, còn tôi lo cơm nước chợ búa. Mỗi tháng, tôi cố gắng bỏ vào quỹ tiết kiệm của riêng mình 1,2 triệu đồng. Bởi lẽ, chồng tôi rất thích tiêu xài theo kiểu bố mẹ “bao tiêu” khi còn nhỏ.
Chúng tôi có với nhau hai con trai, hiện đã 5 tuổi và 2 tuổi. Tôi dần phải bớt việc để chăm sóc gia đình, nghĩa là chồng tôi phải lo lắng mọi thứ, trở thành trụ cột trong gia đình. Tôi bất an. Tôi không thể đối mặt với việc không có tiền cho riêng mình, mỗi tháng chồng phát cho vài triệu tiền chợ, thế là xong!Tôi hoàn toàn thành thật với chồng về phần tiền tiết kiệm của mình. Mọi thứ chúng tôi kiếm được đều được chuyển vào một tài khoản chung và tôi xem đó là dấu hiệu tin tưởng rằng mối quan hệ của chúng tôi sẽ bền chặt mãi mãi nhưng tôi thích có một chút tiền mà tôi có thể tiêu xài “vô trách nhiệm”. Tôi có tiền và không phụ thuộc ai!Có những khoản tiết kiệm này có nghĩa là tôi biết tôi có tiền. Trong trường hợp khẩn cấp, nó mang lại cho tôi cảm giác an toàn và cũng giúp tôi có thể tự thưởng cho bản thân thường xuyên. Mỗi tháng, tôi có thể tự mua cho mình chiếc áo, ăn một bữa ngon mà không ảnh hưởng chi tiêu của gia đình.Vì thu nhập thất thường nên quỹ tiết kiệm của tôi cũng không lớn lắm. Mấy năm rồi, tài khoản tiết kiệm ấy cứ trồi sụt xung quanh 10 triệu đồng. Chưa bao giờ tôi cảm thấy đó là một số tiền đủ lớn để phải thú nhận với chồng. Tôi cũng biết rằng nếu tôi đưa số tiền đó vào tài khoản chung của chúng tôi, số tiền đó sẽ được chi tiêu vào một bữa ăn ngon cuối tuần hay mua đôi giày đi học cho hai đứa con.Tôi cho rằng theo một cách nào đó, quỹ tiết kiệm bí mật là một thứ nhỏ bé tôi có mà không bị ràng buộc với các khoản vay thế chấp, mua sắm ở siêu thị cho gia đình và đáp ứng nhu cầu của mọi người thân. Tiền đó là của tôi, để một mình tôi chi tiêu. Trong vài năm qua, tôi đã mua một chiếc áo khoác đắt tiền, một chiếc vòng bạc, một chiếc túi xinh xắn và một vài chiếc váy đẹp… Khá xa xỉ!Tôi sẽ ngạc nhiên nếu chồng có một tài khoản bí mật. Tôi nghĩ đối với đàn ông thì khác - họ không đầu tư tình cảm vào ý tưởng mua cho mình một thứ gì đó đặc biệt.Tiền tượng trưng cho việc ai nắm giữ quyền lực trong nhà, đồng thời giữ địa vị và trách nhiệm trong quan hệ vợ chồng. Theo truyền thống, người đàn ông, người trụ cột chính trong gia đình, sử dụng quyền kiểm soát tài chính của gia đình như một phương tiện để sử dụng quyền lực, chẳng hạn như áp đặt các hạn chế đối với chi tiêu của vợ. Nhưng với sự ngang bằng về tài chính giữa hai giới hiện nay, nó không còn đơn giản và các ranh giới mờ nhạt hơn. Không có gì ngạc nhiên khi phụ nữ không muốn cảm thấy như họ đang từ bỏ sự độc lập về tài chính của mình.Bạn tôi lại giấu tiền riêng vì những lý do tồi tệ hơn. Cô ấy kết hôn khi mới 21 - 22 tuổi và còn quá trẻ để ổn định cuộc sống. Trong khi chồng cô lại thành đạt và kiếm được tiền. Những nghi ngờ len lỏi trong vòng vài năm và cuộc hôn nhân của họ trở nên thăng trầm. Họ đã cãi nhau rất nhiều, chồng bạn tôi dọa bỏ đi và bạn tôi sẽ cầu xin anh ấy quay lại.Tôi đã từng nói với bạn tôi rằng, cô ấy còn quá trẻ để chỉ biết đến nồi niêu, bếp núc. Cô ấy bắt đầu một khóa học luật sau đại học, làm việc bán thời gian và bắt đầu có tài khoản tiết kiệm của mình mà cô ấy gọi đùa là quỹ “bỏ trốn”. Tuy nhiên, mở cửa ra ngoài, cô bạn tôi trở nên phóng khoáng hơn và anh chồng phải o bế vợ rất nhiều.Còn bạn thì sao? Bạn có quỹ riêng không?