Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia đình và dòng họ ở làng Việt xưa

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi làng gồm nhiều gia đình, nhiều dòng họ tụ cư với nhau; nhiều mối quan hệ chằng chịt, quấn quýt lấy nhau tạo nên một cộng đồng gắn bó bền vững với những nét riêng độc đáo.

Gia đình, gia trưởng

Theo các nghiên cứu đa/liên ngành thì gia đình của người Việt hình thành từ rất sớm. Ở các di chỉ thuộc thời kỳ đá mới cách nay khoảng 6.000 năm, họ đã bắt đầu thấy dấu tích của trạng thái gia đình khi phát hiện ra các công cụ lao động bằng đá như cuốc đá có cán, rìu đá có cán và các loại khoan, cưa, mài bằng đá với cơ cấu đủ dùng cho một gia đình từ 3 - 5 người. Lúc ấy là gia đình mẫu hệ. Tiếp đó là gia đình phụ hệ. Cách nay khoảng 4.000 năm, công xã thị tộc tan rã và bắt đầu quá trình hình thành làng.

Lễ giỗ tổ dòng họ Nguyễn tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: Hải Vân
Lễ giỗ tổ dòng họ Nguyễn tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: Hải Vân

Nếu làng là đơn vị tụ cư truyền thống của người Việt có địa vực riêng, có cơ sở hạ tầng và cơ cấu tổ chức riêng, tục lệ riêng thì gia đình là một thiết chế xã hội thuộc làng, trong làng; là một tập hợp của những người có quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống, gắn bó với nhau bằng các quan hệ tình cảm - trách nhiệm, nuôi dưỡng và giáo dục.

Gia đình người Việt là tiểu gia đình phụ quyền (gia đình hạt nhân, hai thế hệ cha mẹ và con cái). Tuy nhiên, một số là gia đình ba thế hệ (có thêm ông bà), thậm chí bốn thế hệ “Tứ đại đồng đường”. Phần đông các gia đình người Việt được tạo lập dựa trên hôn nhân một vợ một chồng.

Tuy nhiên, trong xã hội truyền thống vẫn có tình trạng gia đình đa thê. Ngoài vợ cả (chính thất), người chồng còn có vợ hai, vợ ba, có “thiếp”, nàng hầu. Con vợ cả (dòng đích) dù ít tuổi vẫn là anh (chị) so với các con vợ thứ và là người đại diện của gia đình.

Gia đình người Việt mang tính gia trưởng cao, đề cao vai trò của người chồng, người cha. Người vợ phải lệ thuộc và phục tùng chồng và chịu sự giám sát của nhà chồng, phải gánh vác việc nhà chồng. Chỉ có người chồng, người cha mới là đại diện hợp pháp duy nhất về mọi mặt của gia đình trước cộng đồng làng xã và ngoài làng cũng như với Nhà nước.

Ở làng xưa, người phụ nữ, người vợ phải theo đạo “Tam tòng” (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”) rất bất bình đẳng. Luật thời Lê quy định chồng có quyền bỏ vợ nếu vợ phạm vào tội “thất xuất” là không con, dâm nhác, không thờ cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật. Chồng chết, vợ phải “thủ tiết” thờ chồng, nuôi con; nếu “đi bước nữa” phải để lại tài sản, con cái cho nhà chồng. Trong khi đó, chồng có quyền lấy vợ khác sau khi vợ chết một năm.

Mặc dù vậy, đối lập với tính gia trưởng, một mức độ nhất định, là việc thừa nhận vai trò của người phụ nữ, người vợ bởi sự năng động, bản tính cần cù chịu khó và sự đóng góp của họ trong gia đình. “Của chồng công vợ”, “Chồng là cái giỏ, vợ là cái hom”; “Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn” là minh triết về vai trò của phụ nữ trong gia đình xưa.

Bởi vậy, cũng luật thời Lê quy định có ba điều quy định người chồng không được bỏ vợ (Tam bất khả xuất) là vợ chồng khi lấy nhau nghèo, về sau giàu, vợ đã làm tròn trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ chồng và vợ không còn chỗ thân thích, nếu chồng bỏ thì không còn nơi nương tựa.

Dòng họ - “Giọt máu đào hơn ao nước lã”

Trong mỗi làng xưa thường có nhiều dòng họ. Họ (tông tộc) là tập hợp các gia đình có chung một dòng máu, chung một ông tổ, mộ tổ và từ đường. Cũng có những làng chỉ có một dòng họ duy nhất, gọi là làng họ. Bởi thế, nhiều nơi lấy tên dòng họ đặt tên cho làng. Bùi xá, Nguyễn xá,… là làng/nơi ở của người họ Bùi, họ Nguyễn chẳng hạn.

Theo Pierre Gourou (1930), ở Việt Nam có 202 dòng họ; Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (1932) ước tính khoảng gần 300 dòng họ. Gần đây, theo số liệu đăng ký ở Hội các dòng họ Việt Nam thuộc UNESCO Việt Nam và thống kê sơ bộ ở các địa phương thì có 209 dòng họ. Số liệu này còn có thể chưa chính xác vì sai số ở các dân tộc thiểu số, còn riêng người Kinh/Việt có khoảng 180 dòng họ.

Tuy nhiên, theo Bùi Xuân Đính, số liệu trên chưa chính xác vì họ khác với tên họ, một họ có thể có nhiều tên họ. Chẳng hạn, một làng có nhiều họ Nguyễn, nhiều họ Bùi là các dòng huyết thống khác nhau, được phân biệt bằng các tên đệm, như Nguyễn Hữu, Nguyễn Đình, Bùi Văn, Bùi Xuân...

Việc đổi họ cũng thường gặp vì nhiều lý do, chẳng hạn: Con nuôi chuyển sang họ cha nuôi; được nhà vua ban Quốc tính; kỵ húy nhà vua, hoàng hậu hoặc miếu hiệu nhà vua; tránh bị liên lụy vì trong họ có người phạm trọng tội hoặc do bị nhà vua bắt phải đổi.

Thời xa xưa, người Việt chưa có các tên họ như ngày nay. Nhiều khả năng, lúc bấy giờ, các họ (thị tộc) phân biệt với nhau bằng tô tem (vật tổ). Về sau, người Việt tiếp thu hệ thống tên họ của người Hán để gọi họ của mình hay cũng có thể do người Hán áp đặt trong thời kỳ Bắc thuộc...

Họ của người Việt được tổ chức theo hai nguyên tắc cơ bản. Một là: Nguyên tắc trưởng - đích: Ngôi trưởng (trưởng họ, trưởng chi, hoặc con trưởng trong gia đình) và ngành đích (con của người vợ cả) mang tính cha truyền con nối. Trường hợp ngành trưởng và ngành đích không có con trai hoặc có nhưng không đảm đương được vai trò (bị bệnh tâm thần, mắc tội bất hiếu) thì ngành thứ mới được thay thế.

Hai là: Nguyên tắc cửu tộc (9 đời): Lấy một người nam giới làm “mốc” thì trên người đó bốn đời và dưới người đó 4 đời được coi là “nội thân”, phải cư xử với nhau trên tinh thần “Cửu đại hơn ngoại nhân” (họ chín đời hơn người dưng) hay “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Theo đó, con cháu trong vòng 9 đời không được kết hôn với nhau mặc dù luật cho phép.

Mỗi họ có hội đồng gia tộc điều hành, gồm trưởng tộc, các trưởng chi và những người già am hiểu, có uy tín. Họ của người Việt từ lâu đã không còn là đơn vị kinh tế, một đơn vị sở hữu vì đã chia thành nhiều gia đình nhỏ với thân phận kinh tế - xã hội riêng song vẫn bền chặt về tình cảm, nhờ ý thức chung về cội nguồn, tạo ra tâm lý gắn kết dòng họ (Cửu đại hơn ngoại nhân, Giọt máu đào hơn ao nước lã...).

Tâm lý cố kết dòng họ có ý nghĩa tích cực khi động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, góp phần củng cố mối cố kết cộng đồng làng/nước. Nhưng cũng dễ dẫn đến tình trạng bè phái, đố kị, mâu thuẫn, tranh chấp giữa các dòng họ, gây khủng hoảng cộng đồng làng xã.

Gia đình, dòng họ và văn hóa làng

Mỗi làng Việt xưa đều có nét riêng độc đáo của mình về nếp sống, phong tục tập quán, cách ứng xử xuất phát từ sự đa dạng, phong phú về ngành nghề, nếp làm ăn, nguồn gốc dân cư, môi trường sinh thái… Làng Việt ở Nam Bộ có lịch sử hình thành muộn hơn so với ở Bắc Bộ và Trung Bộ rất nhiều.

Nếu như văn hóa làng, dòng họ và gia đình ở Bắc và Trung Bộ chịu ảnh hưởng nhiều bởi Nho giáo và văn hóa Hán thì ở Nam Bộ người Việt trong quá trình Nam tiến mở cõi lập làng lại gặp nền văn hóa, văn minh phi Hán của người Khơ Me chịu ảnh hưởng nhiều của văn minh Ấn Độ. Do vậy, quan hệ gia đình, dòng họ ở Nam Bộ không hoàn toàn giống ở Bắc Bộ mà cởi mở, phóng khoáng hơn.

Tuy vậy, vẫn là đại đồng và tiểu dị giữa các miền trong quan hệ gia đình, dòng họ và làng xã. Văn hóa làng vẫn dựa vào trục cơ bản là gia đình, dòng họ và làng xóm. Gia đình, dòng họ là nơi hình thành phẩm chất và tinh thần, tình cảm và trách nhiệm của mỗi thành viên, tạo thành giá trị của gia đình, dòng họ.

Từ đó, các giá trị gia đình, dòng họ lại lan tỏa và kết tinh thành giá trị của làng, góp phần tạo nên những giá trị chung của quốc gia, dân tộc. Mặt khác, những chuẩn mực giá trị chung của làng, của quốc gia dân tộc lại tác động, chi phối đến gia đình dòng họ qua các sinh hoạt vật chất và tinh thần, đặc biệt là qua hương ước và luật pháp.

Sự đứng vững của văn hóa dân tộc trong trường thiên lịch sử là bởi sự bền vững của văn hóa làng, văn hóa dòng họ/gia đình.

 

Sự lựa chọn, duy trì, phát triển các giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình, dòng họ và làng xã trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa hiện nay, và trong tương lai, vẫn là một bài toán vô cùng khó vì gia đình - dòng họ và làng là mối quan hệ chặt chẽ, phong phú nhưng phức tạp và không ít điều không còn phù hợp.