Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Gia đình] Văn hóa nhà chồng khiến tôi khó thích nghi

Nam Ngư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu về nhà chồng, tôi hơi bị sốc văn hóa. Cũng phải thôi, vì tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, mà lấy chồng ở tít miền Nam. Sự khác biệt về văn hóa khiến tôi chơi vơi nơi đất khách quê chồng.

Tôi quen chồng trong một chuyến công tác ở Sài Gòn, chúng tôi yêu xa được 3 năm thì cưới. Trong 3 năm ấy chủ yếu anh ra Hà Nội thăm tôi nhiều, vì thế có thể nói anh khá quen với văn hóa miền Bắc. Ngược lại, văn hóa Sài Gòn với tôi có chút xa lạ, đặc biệt là khi về làm dâu nhà anh, tôi cảm thấy sốc và rất khó để thích nghi.

Trước tiên, phải nói về việc xưng hô trong nhà rất không có thứ tự trên dưới. Các con gọi bố mẹ là anh/chị + tên; bố mẹ thì gọi con cái bằng tên ở nhà và xưng mày -tao; anh chị em nói chuyện với nhau thì trống không, không phân thứ bậc cao thấp trong nhà. Bản thân tôi khi nói chuyện với bố mẹ chồng luôn một dạ hai vâng thì bị cho là phiền phức, khách sáo, nhưng tôi không thể nói chuyện như kiểu của em chồng được, bởi tôi đã quen nói chuyện như vậy trong gần 30 năm qua. Có thể nói, nếu như ngoài Bắc, thì gia đình chồng bị xem là gia đình không có gia giáo.
 Ảnh minh họa.
Về chuyện ăn uống, đa phần các thành viên trong nhà sau giờ tan làm sẽ đi ăn uống cùng bạn bè, và rất ít khi ăn cơm ở nhà. Lâu lâu mới có bữa ở nhà nấu cơm ăn thì cũng mỗi người múc một tô, mạnh ai nấy ăn chứ không phải cả nhà cùng quây quần ăn chung. Những ngày đầu mới về làm dâu, tôi cũng chịu khó nấu nướng cho cả nhà cùng ăn, nhưng rồi mỗi người múc một tô ăn khiến tôi không còn muốn nấu nữa.

Tôi cũng thấy gia đình chồng tiêu tiền khá hoang phí, không có sự tích lũy. Bố mẹ chồng lương hưu cũng khá cao, nhưng ông bà thường cùng nhau đi ăn nhà hàng, đi du lịch. Hai đứa em chồng cũng đang làm những công việc mà tôi đoán là thu nhập cũng không thấp, nhưng tối nào cũng đi ăn ngoài, đi bar; cuối tuần là đi du lịch rồi mua sắm rất nhiều. Cô em gái chồng có cả một tủ giày rất lớn nhưng vẫn mua thêm. Đương nhiên tiền ai kiếm người đó tiêu xài như nào là tùy ý họ, nhưng có lẽ do tôi không quen với cách tiêu tiền như thế.

Tôi cũng nhiều lần nói chuyện trao đổi với chồng về những chuyện trong nhà, chồng tôi chỉ tặc lưỡi “nhà sống thế xưa giờ rồi, có làm sao đâu, miễn mọi người thoải mái vui vẻ là được, em cũng thả lòng thoải mái, đừng gò mình vào làm gì cho mệt". Nghe chồng nói vậy nhưng thật sự tôi cảm thấy mình lạc lõng trong nhà, tôi cảm thấy rất ngại và không thoải mái một chút nào. Tôi có tâm sự với vài người bạn thân thì họ bảo tôi sướng mà không biết đường hưởng, lấy được nhà chồng thoải mái không câu nệ hình thức lễ nghĩa như vậy càng đỡ cực, đỡ phải rườm rà lo pha trà rót nước cho bố mẹ chồng mỗi sáng, rồi lo cơm nước dọn dẹp cũng mệt bơ phờ, họ bảo chắc tui rảnh rỗi quá, nên soi mói nhà chồng.

Có lẽ bởi tôi đã quá quen với nề nếp trong nhà khi sống cùng bố mẹ đẻ ngoài Bắc, gia đình tôi dù bận rộn mọi người vẫn luôn dành thời gian ăn với nhau bữa sáng và tối. Nếu một thành viên trong nhà đi làm về muộn, cả nhà luôn ngồi chờ về để cùng ăn cơm. Trong nhà mọi người phải tôn trọng theo thứ bậc cao thấp, không được ăn nói trống không với người lớn, nói chuyện với người lớn phải thưa gửi dạ vâng. Và vì thế, tôi về nhà chồng sống đã nửa năm rồi nhưng vẫn chưa thể quen, chưa thể thích nghi. Có nhiều khi tôi còn bị em chồng cằn nhằn chỉ vì khi nói chuyện với bố mẹ chồng tôi “dạ, vâng, ạ" quá nhiều. Cô em chồng nói thẳng rằng “nghe chị nói chuyện vậy mệt mỏi phiền phức quá, sống đơn giản đi cho đời thơi thảnh". Nào phải tôi không muốn, nhưng tôi đã quen như vậy, tôi cần thêm thời gian để có thể hòa nhập với nếp văn hóa mới này.

Tôi từng nghe nhiều người nói rằng: Con gái miền Nam khi ra làm dâu Hà Nội sẽ rất khó sống, khó thích nghi với những nề nếp lễ giáo gia phong. Còn tôi gái Hà Nội làm dâu miền Nam lại không thích nghi được sự tự do không bó buộc lễ nghĩa, liệu tôi có ngược quá không?