Gia hạn gần 84.000 tỷ đồng
Sau khi hỗ trợ gần 770.000 tỷ đồng giai đoạn 2020 -2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 64 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2024, ước tính gần 84.000 tỷ đồng. Theo đó, đối với thuế GTGT, Nghị định nêu rõ, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế từ tháng 5 đến tháng 9/2024 và kỳ tính thuế quý II, quý III/2024 của các DN, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn tại Nghị định này.
Thời gian gia hạn là 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 5, 6/2024 và quý II/2024; gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2024; gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2024; gia hạn 2 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 9/2024 và quý III/2024. Thời gian gia hạn được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 5, 6, 7, 8, 9 chậm nhất lần lượt là ngày 20/11, 20/12, 20/12, 20/12, 20/12. Với kỳ tính thuế quý, Nghị định nêu rõ: thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý II, quý III/2024 chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Đối với thuế TNDN trong quý II/2024, Nghị định quy định, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn tại Nghị định này thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối với tiền thuê đất, theo Nghị định này, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2024 của DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được gia hạn đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 2 tháng kể từ ngày 31/10/2024.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, ước tính tổng số thuế được gia hạn sẽ lên tới gần 84.000 tỷ đồng. Số giảm thu ngân sách này là đáng kể, nhưng có tác động tích cực và hiệu quả trong việc hỗ trợ DN, hộ kinh doanh hồi phục sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế Mạnh Thị Tuyết Mai cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước không giảm, vì hạn nộp của các khoản thuế sau khi gia hạn đều thuộc phạm vi năm ngân sách 2024, trừ một số DN có năm tài chính khác năm dương lịch thì số thuế TNDN của quý II/2024 sau khi gia hạn có thể được nộp ngân sách Nhà nước vào đầu năm 2025, ước tính con số này là khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nguồn trợ lực cho DN
Trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục nhưng còn nhiều DN vẫn đang gặp khó khăn và thiếu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, nhất là các DN vừa và nhỏ. Vì vậy, chính sách tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với DN, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh là rất ý nghĩa, đúng lúc, đúng thời điểm. Chính sách này giúp cho các DN giảm bớt khó khăn về gánh nặng tài chính, thay vì phải đóng các loại thuế, phí đúng hạn, thì các DN được giãn ra từ 3-6 tháng.
Trên thực tế, những lần gia hạn thuế và tiền thuê đất trước đây có hiệu ứng rất lớn, tác động trực tiếp tới hoạt động DN. Trong bối cảnh khó khăn về vốn, số tiền thuế được gia hạn trở thành nguồn vốn tạm thời giúp DN quay vòng vốn.
Chia sẻ thực tế từ phía DN, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho biết, việc được gia hạn thời gian nộp thuế, phí giúp DN không phải lo tiền vốn trong 6 tháng cuối năm và cũng không phải trả 1 lần với số tiền quá lớn. Đây giống như một khoản vay ngắn hạn, thay vì phải nộp thuế, phí, DN có thể dùng số tiền này để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, ổn định thị trường, quay lại đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước. Hơn nữa, với những DN lớn, đây còn là cơ hội để DN điều chỉnh lại giá, công nghệ, để tăng cạnh tranh khi xuất khẩu.
Cũng đánh giá cao hiệu quả của chính sách, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận định, đây là chính sách có thể đến ngay được DN, không phải qua bộ máy tổ chức thực thi, cũng không cần độ trễ về thời gian nên hiệu ứng của chính sách này rất lớn.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nhận định, việc gia hạn thuế sẽ hỗ trợ các DN và người dân gặp khó khăn thông qua giảm chi phí tài chính, hỗ trợ thanh khoản và dòng tiền, mà lại không tác động xấu đến ngân sách nhà nước. Với chính sách này, các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, không phải đi vay và trả lãi vay.
Cùng với các chính sách hỗ trợ, theo ông Phong, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm các chi phí gián tiếp và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Từ năm 2000 đến nay, tổng các gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ cho nền kinh tế đã lên tới trên 760.000 tỷ đồng. Việc tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế và tiền thuê đất trong năm 2024 sẽ là động lực quan trọng không chỉ cho tăng trưởng kinh tế lúc này mà còn cho cả các năm tiếp theo.