500.000 người bị sa sút trí tuệBệnh nhân Bùi Thanh Q. (66 tuổi, quê Thái Nguyên) đang điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. TS Trần Thị Hà An - Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Q. cho biết, ông Q. bị chứng sa sút trí tuệ khiến mất trí nhớ hoàn toàn. Ông không nhận ra vợ, con, thường xuyên lảm nhảm một mình. Căn bệnh có thời gian điều trị kéo dài khiến vợ ông phải ăn chực nằm chờ ở viện, giám sát bệnh nhân mọi lúc mọi nơi, gây mệt mỏi cho gia đình.
Ông Q. chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân bị sa sút trí tuệ đang điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. TS Hà An cho biết thêm, có những bệnh nhân sa sút trí tuệ đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, đặc biệt là mất ngủ. Rất nhiều bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát. Số bệnh nhân là nữ giới mắc bệnh nhập viện nhiều hơn nam. Mặt khác, bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ không chỉ là người già mà còn là những người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì, đái tháo đường type 2. Tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, số bệnh nhân đến khám và điều trị hàng năm đều tăng lên, đặc biệt là bệnh nhân nữ. Độ tuổi mắc sa sút trí tuệ ngày một trẻ hóa, đã có những bệnh nhân 50 tuổi đã bị bệnh.
Theo một nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ sa sút trí tuệ tại Việt Nam chiếm từ 4,8 - 5% ở người trên 60 tuổi. Như vậy, cả nước hiện có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ và xu hướng đang ngày càng gia tăng. Ước tính, cứ mỗi 3 giây có thêm một người mắc bệnh sa sút trí tuệ và số người mắc này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2050.
Đề cập đến căn bệnh này, GS.TS Phạm Thắng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Lão khoa T.Ư cho biết, sa sút trí tuệ có thể khởi phát ở tuổi trẻ, song chủ yếu gặp ở tuổi già. Một số nghiên cứu cho thấy ở lứa tuổi 65 tỷ lệ sa sút trí tuệ là 5%. Cứ tăng thêm 5 tuổi thì số lượng người sa sút trí tuệ tăng lên 2 lần, đến 80 tuổi thì 1/3 số người già mắc hội chứng này.
Thuốc bổ não không điều trị được bệnhSa sút trí tuệ có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60 - 80% tổng số bệnh nhân sa sút trí tuệ). Trước thông tin nhiều người bệnh tự truyền thuốc bổ não để điều trị sa sút trí tuệ hay bệnh Alzheimer, TS Nguyễn Văn Phương - Giám đốc Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết, thuốc bổ não chỉ hỗ trợ chứ không điều trị được bệnh. Bởi Alzheimer là bệnh thoái hóa não, điều trị chỉ làm giảm triệu chứng và giảm quá trình tiến triển của bệnh.
Hiện có 4 loại thuốc điều trị sa sút trí tuệ được lưu hành trên thế giới, trong đó chỉ có 3 loại được lưu hành ở Việt Nam. Người bệnh không nên tự điều trị bệnh, mà cần đến bệnh viện để được bác sĩ khám và kê đơn. TS Phương cũng cảnh báo, có đến 90% số bệnh nhân đến Viện sức khỏe Tâm thần khám đều lạm dụng thuốc bổ não nhưng không có tác dụng, tiền mất tật mang.
Các bác sỹ khuyến cáo, người bệnh mắc bệnh sa sút trí tuệ ngoài việc dùng thuốc, cần thiết phải được chăm sóc toàn diện sẽ giúp làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Đặc biệt, người bệnh nên ra ngoài tập thể dục, tăng cường vận động, giao tiếp sẽ rất hiệu quả.
10 triệu chứng sa sút trí tuệTheo TS Trần Thị Hà An, khi có 10 biểu hiện sau đây, người bệnh cần đi khám bác sỹ sớm để được tư vấn, điều trị kịp thời:1. Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày.2. Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề.3. Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc.4. Nhầm lẫn về thời gian và không gian.5. Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian.6. Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/đọc.7. Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ.8. Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định.9. Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội.10. Thay đổi cảm xúc và nhân cách. |