Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Gia Lai: cá voi xuất hiện dày đặc, ngành chức năng cảnh báo hạn chế tiếp cận

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tỉnh Gia Lai liên tục ghi nhận sự xuất hiện của cá voi Bryde (Balaenoptera edeni) tại nhiều vùng biển ven bờ như Xuân Thạnh (xã Phù Mỹ Đông), Vũng Bồi (xã An Lương), xã Đề Gi, Hòn Sẹo, Hòn Cỏ, Hòn Khô Lớn (phường Quy Nhơn Đông) và Mũi Gành (phường Hoài Nhơn Đông).

Đây là loài thú biển quý hiếm, thuộc Phụ lục I Công ước CITES và Nhóm I trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm theo quy định của Chính phủ.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, hiện tượng cá voi xuất hiện với tần suất dày đặc cho thấy hệ sinh thái biển địa phương đang phục hồi mạnh mẽ, với nguồn thức ăn phong phú, ít tác động tiếng ồn và môi trường ổn định phù hợp với tập tính kiếm ăn theo đàn của loài này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động của các tàu du lịch, ca nô và tàu cá tự phát thường xuyên tiếp cận quá gần khu vực cá voi xuất hiện, nhằm phục vụ quay phim, chụp ảnh hoặc tổ chức tour tham quan. Điều này đã gây ra sự xáo trộn đáng kể, khiến một số đàn cá có dấu hiệu lánh xa khu vực gần bờ, thậm chí có nguy cơ mắc cạn.

Cá voi săn mồi gần bờ tại vùng biển Nhơn Lý,  phường Quy Nhơn Đông (trước đây thuộc TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, nay thuộc tỉnh Gia Lai) vào sáng sớm ngày 4/7. Ảnh: Nguyễn Dũng

Cá voi Bryde sử dụng sóng hạ âm để định hướng và giao tiếp, do đó tiếng động cơ tàu thuyền có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi và sức khỏe của chúng. Ngoài ra, với đặc điểm kiếm ăn bằng cách lùa thức ăn vào khoang miệng mở rộng, loài cá voi này dễ nuốt phải túi nylon và rác thải nhựa trôi nổi trên biển, gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa và tính mạng của chúng.

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát hoạt động tiếp cận cá voi, đồng thời bảo vệ nguồn tài nguyên quý hiếm này phục vụ cho định hướng phát triển du lịch sinh thái biển bền vững. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tổ chức tour du lịch xem cá voi cần giữ khoảng cách tối thiểu 100 m, không tiếp cận từ phía trước đầu hoặc phía sau đuôi cá voi, đồng thời phải giảm tốc độ, tắt động cơ khi tiến gần và giới hạn số lượng tàu thuyền hoạt động cùng lúc trong khu vực có cá voi không vượt quá ba phương tiện.

Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch cùng UBND các xã, phường ven biển được giao nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy tắc tiếp cận cá voi cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ và cộng đồng ngư dân. Báo chí và truyền hình địa phương cũng được đề nghị tích cực đưa tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ loài cá voi quý hiếm gắn với mục tiêu phát triển sinh kế biển theo hướng bền vững.

Cá voi Bryde thuộc họ cá voi lưng gù (Balaenopteridae), dễ nhận diện với 3 đường gờ trên đỉnh đầu trước lỗ thở và từ 40 đến 70 nếp gấp vùng cổ họng giúp mở rộng khoang miệng khi săn mồi. Loài này phân bố chủ yếu ở vùng biển ấm, xuất hiện nhiều tại khu vực Vịnh Thái Lan và các vùng biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ của Việt Nam. Riêng tại Gia Lai, tần suất xuất hiện của loài cá voi này ngày càng tăng trong khoảng 5 năm trở lại đây, cho thấy một sự thích nghi lâu dài với điều kiện môi trường tại địa phương.

Theo các chuyên gia, sự có mặt ổn định của cá voi Bryde không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà còn mở ra cơ hội để Gia Lai xây dựng hình ảnh một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn, hài hòa giữa phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường. Nếu được bảo vệ đúng cách, cá voi Bryde hoàn toàn có thể trở thành biểu tượng sinh thái mới của vùng biển Gia Lai.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ