Giá lợn hạ nhiệt
Kinhtedothi - Ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, giá lợn hơi đã hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Giới chuyên gia khuyến nghị, để kéo giá lợn hơi giảm, việc cần làm hiện nay là các địa phương, người chăn nuôi phải chú trọng tái đàn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Giá lợn hơi, giá thịt lợn mảnh giảm nhẹ
Thông tin từ Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm nhẹ 1.000 – 2.000 đồng/kg, phổ biến quanh mức 65.000 - 77.000 đồng/kg, song chênh lệch mức giá khá lớn ở các địa phương.

Giá thịt lợn mảnh dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Ảnh minh hoạ
Giá lợn hơi ở khu vực miền Bắc đang phổ biến ở mức 65.000 - 66.000 đồng/kg. Giá lợn hơi khu vực miền Trung - Tây Nguyên duy trì ở mức 65.000 - 73.000 đồng/kg. Giá lợn hơi khu vực miền Nam vẫn ghi nhận ở mức cao từ 73.000 - 76.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi CP miền Bắc ở mức 70.000 đồng/kg và 74.000 đồng/kg tại khu vực miền Nam.
Mặc dù giá giá lợn hơi những ngày gần đây đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, kéo theo giá thịt lợn móc hàm cũng đứng ở mức cao trung bình 92.000 – 95.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Xuân Tính, tiểu thương chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Những ngày gần đây, giá thịt lợn móc hàm giao tại các lò mổ đã hạ vài giá xuống còn quanh mức 95.000 đồng/kg, nên giá bán ra cho người tiêu dùng cũng giảm nhẹ. Tuy nhiên, sức mua thịt lợn vẫn yếu nên trung bình mỗi ngày, tiểu thương chỉ bán được khoảng 1 con đã được coi là chạy hàng”.
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngày 1/4 cho thấy, tại một số chợ nội thành Hà Nội như: chợ Nam Thành Công (quận Ba Đình), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), chợ Hà Đông (quận Hà Đông), giá thịt lợn phổ biến quanh mức 110.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại; trong đó, thịt ba chỉ, nạc vai, sườn thăn dao động ở mức 145.000 - 150.000 đồng/kg, mông sấn 110.000 đồng/kg.
Trước đó gần 1 tháng, ngày 6/3, giá lợn hơi lập đỉnh mới khi cán mốc 83.000 đồng/kg, cao nhất trong 3 năm qua. Sau đó, giá lợn hơi có điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng vẫn đứng ở mức cao. Tuy nhiên, ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, giá lợn hơi đã chững lại và quay đầu giảm khoảng 6.000 đồng/kg.
Cụ thể, liên quan đến vấn đề thịt lợn và giá lợn hơi, ngày 27/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá tình hình thị trường; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo cung - cầu, tập trung đẩy mạnh chăn nuôi, tái đàn và kiểm soát dịch bệnh… Đồng thời, kiểm soát khâu trung gian, thực hiện nghiêm các chỉ đạo về điều hành giá; báo cáo cơ quan có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.
Đẩy mạnh tái đàn an toàn
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Trọng chia sẻ, điều đáng lo ngại nhất là hiện nay giá lợn hơi tại các quốc gia láng giềng đang thấp. Ví dụ như Trung Quốc, Thái Lan… giá lợn hơi hiện đang ở mức dưới 60.000 đồng/kg. Giá lợn hơi trong nước tăng cao sẽ khiến tình trạng nhập lậu từ các nước khác vào Việt Nam, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây truyền.

Tái đán lợn đảm bảo an toàn dịch bệnh sẽ góp phần kéo giá lợn hơi giảm. Ảnh minh hoạ
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, do đàn lợn nái cơ bản ổn định, đàn lợn con giảm, cùng với nhu cầu tái đàn nên giá lợn giống đã tăng lên mức 2,6 - 3,2 triệu đồng/con. Với mức giá này, nếu không chăn nuôi theo chuỗi mà phải mua con giống, giá thành sản xuất sẽ lên tới 65.000 đồng/kg, cao hơn từ 7.000 - 10.000 đồng/kg so với trước đây. Điều này dẫn đến sự mất cân đối trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất, lưu thông, phân phối đến người tiêu dùng.
Để giải quyết bài toán cung cầu, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng cần được tổ chức theo chuỗi, bởi nếu không có sự liên kết, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề và là đối tượng chịu rủi ro nhiều nhất. Đồng thời, các chủ trang trại, địa phương cần chú trọng công tác an toàn sinh học, đặc biệt là việc tiêm phòng vaccine. Đối với những bệnh chưa có vaccine, chăn nuôi an toàn sinh học càng trở nên cần thiết.
“Thách thức lớn nhất nằm ở các trại quy mô nhỏ, chăn nuôi nông hộ, nơi mô hình chăn nuôi còn đan xen với khu dân cư. Điều này khiến việc đảm bảo an toàn sinh học trở nên vô cùng khó khăn”- ông Nguyễn Văn Trọng lưu ý.
Sự lên, xuống của giá lợn hơi là quy luật của thị trường. Dù thời điểm này, giá lợn hơi đã hạ nhiệt, tuy nhiên, các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhận định, giá lợn hơi sẽ vẫn duy trì ở mức cao đến quý III/2025.
TS Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khuyến nghị, song song với công tác kiểm soát dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho người chăn nuôi. Trong đó, cần xem xét điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi và thuốc kháng sinh phù hợp. Chính sách ổn định giá của Nhà nước sẽ giúp thị trường phát triển lâu dài. Như vậy, mức giá hợp lý cũng sẽ hài hòa lợi ích của tất cả các bên trong chuỗi giá trị, từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng cuối cùng.
Trích dẫn
Giá lợn hơi neo ở mức cao được nhận định nguyên nhân do dịch tả lợn châu Phi vẫn đang xảy ra, cùng với đó là các dịch bệnh khác. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường khuyến cáo các địa phương và người nuôi cần bố trí ngân sách, đẩy mạnh tiêm phòng vaccine cho đàn lợn. Mặt khác việc đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành hàng chăn nuôi, thay đổi thiết bị, con giống, quy trình chăm sóc, nâng cao vấn đề an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, từ đó, nâng cao năng suất và chất lượng đàn lợn là vấn đề cần được quan tâm.

Giá lợn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Kinhtedothi - Gần 1 tháng qua, giá lợn hơi và thịt lợn mảnh trên đà tăng vọt, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới chuyên gia dự báo, giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng tới tháng 6/2025 do nhu cầu tiêu thụ lớn, trong khi sức tài đàn chưa đủ mạnh để kịp bù đắp nguồn cung.

Cân bằng cung - cầu, tránh tình trạng giá lợn hơi tăng đột biến
Kinhtedothi - Từ sau Tết Tỵ 2025 đến nay, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước tăng liên tục, cao nhất 83.000 đồng/kg, tạo động lực cho người chăn nuôi tái đàn. Tuy nhiên, các ngành chức năng khuyến cáo, giá lợn hơi tăng chỉ trong ngắn hạn, nguồn cung sẽ sớm được bổ sung.

Giá lợn hơi tăng cao thúc đẩy người chăn nuôi tái đàn
Kinhtedothi - Giá lợn hơi tăng cao mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp, nhưng cũng đặt ra bài toán kiểm soát lạm phát. Do đó, việc tái đàn cần được các địa phương tăng cường nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm, cũng như cân bằng cung - cầu mặt hàng thiết yếu này.