Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, giá lợn hơi trong nước hiện dao động ở mức 80.000 - 85.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất chỉ khoảng 45.000 đồng/kg. Đáng nói, giá thịt đến tay người tiêu dùng hiện luôn ở mức từ 140.000 – 200.000 đồng/kg tùy loại. Điều bất cập được chỉ ra là dù chỉ cần bán với giá 72.000 đồng/kg thì DN vẫn đang lãi 2 triệu đồng/con (100kg). Nhận ra bất cập này, mới đây Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị 17 DN chăn nuôi lớn phải tiếp tục giảm giá lợn về mức tham chiếu 70.000 đồng/kg. Trước đó vào đầu tháng 2/2020, tư lệnh ngành nông nghiệp cũng đã kêu gọi một số DN chăn nuôi lớn giảm giá thịt lợn về mức 75.000 đồng/kg để chia sẻ với người tiêu dùng. Mặc dù vậy, vẫn nhiều DN không thực hiện điều này, giá lợn vẫn treo ở mức cao.
Tập trung đưa giá thịt lợn dần xuống mức hợp lý để phát triển một cách lành mạnh, tích cực, bền vững là cần thiết. Việc kêu gọi của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT được một số chuyên gia nhận định là “phi kinh tế thị trường”, dùng “mệnh lệnh hành chính”, song qua đó cũng cho thấy hai bất cập lớn của ngành chăn nuôi. Trước hết là tổ chức từ sản xuất đến tiêu thụ bị đứt quãng và qua quá nhiều khâu trung gian nên giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng bị đội lên cao. Thậm chí, có thương lái mua lợn ra khỏi cổng trại đã ăn chênh được 10.000 đồng/kg. Thứ hai, câu chuyện đáng bàn nhất là trách nhiệm xã hội của DN và thương lái. Trong bối cảnh cả nước đang phải gồng mình chống lại dịch Covid-19, sản xuất gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nhưng một bộ phận DN, thương lái lại không chia sẻ lợi ích, vẫn có hiện tượng găm hàng, thổi giá thịt lợn lên cao. Còn nhớ, thời điểm Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, khi nhu cầu tăng đột biến, giá thịt lợn tại chợ được thổi lên tới 300.000 đồng/kg, mức giá chưa từng ghi nhận trước đó.
Đáng nói là khi DN chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, Nhà nước đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ như khoanh vốn, giãn nợ ngân hàng, hỗ trợ tiêu hủy lợn bị bệnh… Nhưng khi chăn nuôi đã dần hồi phục, nền kinh tế gặp khó khăn, vẫn có DN không chung tay cùng Nhà nước thực hiện bình ổn giá. Thay vào đó "thừa nước đục thả câu", làm ăn chộp giật hòng trục lợi vì mặt hàng thịt lợn không thuộc diện bình ổn theo Luật Giá, cũng không phải mặt hàng kê khai giá. Bởi vậy, nhiều chuyên gia lên tiếng cần phải xem lại chính sách hỗ trợ cho những DN này.
Thịt lợn chiếm gần 60% trong rổ thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Bình ổn giá thịt lợn không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân trong bối cảnh hiện nay mà còn góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này đòi hỏi, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phải có giải pháp quyết liệt, đồng bộ và mạnh tay hơn trong thời gian tới.