Giá nhà cao vì bị bán qua nhiều "cầu"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cho rằng sự kém minh bạch trong quản lý thị trường BĐS đầu tiên là thông tin về quy hoạch không rõ ràng.

Trong khi đó, chính sách giá, kể cả giá bán và mua cũng không dựa trên cơ sở nào. Chẳng hạn, nếu minh bạch thông tin dự án ấy tổng chi phí đầu vào chỉ mất 10 triệu đ/m2 mà người ta bán đến 60 triệu đồng thì chẳng ai dại gì mua vào.

Tất nhiên chi phí trung gian và chi phí “đi đêm” cũng rất lớn nhưng không ai dám công khai. Cuối cùng là gắn với chuyện không công khai bán, quy định là phải giao dịch qua sàn nhưng trước đó BĐS lại không được bán qua sàn mà qua rất nhiều cấp trung gian giá đội lên rất nhiều.

Để thị trường BĐS bớt rủi ro thì Nhà nước cần có quy hoạch rõ ràng cùng với thông tin rõ ràng liên quan quy hoạch. Thứ hai là đòi hỏi sự giải trình một cách minh bạch về cơ chế dành cho các dự án nhà ở, các dự án BĐS khi người dân nắm rõ được thông tin thì họ sẽ có quyết định hợp lý hơn. Điều thứ ba nữa là các thông tin liên quan giá cả, giá cả do nhà nước quy định, giá cả trên thực tế để người dân cân nhắc... cũng cần được làm rõ.

Nhà nước cần ban hành nhiều chính sách kèm theo trong việc bắt buộc DN phải thực hiện quy trình bán nhà. Ví dụ không cho phép những người thân quen mua theo giá buôn rồi đẩy giá bán ra ngoài nữa, mà DN phải bán ngay lập tức trên thị trường sơ cấp, qua sàn. Đặc biệt phải hạn chế người buôn sơ cấp.

Bởi một dự án bây giờ chỉ 2, 3 nhà tổng thầu mua hết, sau đó bán lẻ lại, như vậy tạo ra hai nguy cơ. Rủi ro và lợi nhuận dồn vào ông ấy, nhưng người dân phải chịu giá cao. Điều này là nguy cơ tạo ra sự đổ vỡ của thị trường BĐS. Chúng ta cũng cần có quy định về định mức lợi nhuận cho các DN BĐS, đặc biệt là với dự án Nhà nước hay giao kể cả DN trúng thầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần