Theo phân tích của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ), nhu cầu vay vốn mới của doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân giai đoạn đầu năm là khá yếu, trong khi giá nhà đất giảm mạnh hơn trong tháng 1 so với tháng 2.
Theo cảnh báo của chuyên gia kinh tế Richard Koo vào năm ngoái, Trung Quốc có thể đang bước vào giai đoạn "suy thoái bảng cân đối kế toán". Điều này tương tự như Nhật Bản từng trải qua trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Suy thoái bảng cân đối kế toán xảy ra khi các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ chịu gánh nặng nợ nần quá lớn, khiến họ không thể chi tiêu và đầu tư, dẫn đến đình trệ kinh tế.
Ông Koo nhấn mạnh: "Để người dân và doanh nghiệp quay lại vay tiền chi tiêu và đầu tư, chúng ta cần một thông điệp thuyết phục rằng giá nhà đã chạm đáy và sẽ bắt đầu tăng giá trở lại."
Tuy nhiên, liệu giá nhà đã chạm đáy thực sự hay chưa, câu hỏi này đến nay vẫn không có lời giải đáp. Ông Koo cùng các nhà phân tích khác chỉ ra rằng trong bối cảnh nền kinh Trung Quốc, giá nhà đất giảm không nhiều như dự kiến mặc dù các khía cạnh khác của thị trường bất động sản đang suy thoái.
Các quan chức Trung Quốc cho biết thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh. Đồng thời, đất nước này cũng đang tập trung vào các động lực tăng trưởng mới, chẳng hạn như sản xuất và xe điện.
Theo ước tính của các nhà phân tích, thị trường bất động sản và các ngành liên quan chiếm ít nhất 20% nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy thoái của thị trường bất động sản bắt đầu sau khi Bắc Kinh siết chặt việc vay nợ của các công ty lĩnh vực bất động sản từ năm 2020.
Ngoài ra, ông Koo đã chỉ ra thêm một yếu tố quan trọng khác biệt so với thị trường Nhật Bản: quy mô dân số Trung Quốc đang bắt đầu thu hẹp lại. Trong khi đó, dân số Nhật Bản đến tận năm 2009 mới bắt đầu giảm. Ông nói: "Việc thuyết phục người dân Trung Quốc vay tiền mua nhà sẽ trở nên khó khăn hơn do giá nhà giảm và dân số thu hẹp.”