Đại sứ Nga cảnh báo lệnh ngừng bắn 30 ngày của Ukraine chỉ là "kế hoãn binh"
Kinhtedothi - Phía Nga nhấn mạnh rằng một lệnh ngừng bắn đơn lẻ, nếu không nằm trong khuôn khổ một giải pháp toàn diện, sẽ không đáp ứng được các yêu cầu từ Moscow.

Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga về giám sát các cuộc điều tra về tội ác chiến tranh, ông Rodion Miroshnik. Ảnh: Tass
Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga về giám sát các cuộc điều tra về tội ác chiến tranh, ông Rodion Miroshnik, ngày 16/5 cho biết, chính quyền Moscow lo ngại về tuyên bố của Kiev rằng phái đoàn của họ chỉ có kế hoạch thảo luận về lệnh ngừng bắn trong 30 ngày trong các cuộc đàm phán tại Istanbul.
"Điều duy nhất khiến chúng tôi thực sự lo ngại là phía Ukraine chỉ muốn đàm phán về ngừng bắn, chứ thực sự không muốn tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột. Một lệnh ngừng bắn không nằm trong giải pháp lâu dài thì rõ ràng sẽ không làm phía Nga hài lòng" - ông Miroshnik nhấn mạnh.
Theo nhà ngoại giao Nga, lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày do phía Ukraine đề xuất sẽ tạo điều kiện cho Kiev củng cố vị thế. Cụ thể, Kiev sẽ tận dụng thời gian này để xây dựng công sự mới, tiếp nhận vũ khí và tái bố trí lực lượng. “Nói cách khác, sau một tháng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục leo thang. Hướng đi này không phải là vì hòa bình, mà là ngược lại” - ông Miroshnik cho hay.
Theo kế hoạch, phái đoàn Nga và Ukraine sẽ có cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột tại thủ đô Istabul của Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 16/5. Cuộc gặp cũng có sự tham gia của quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đàm phán ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 15/5, nhưng cuối cùng bị hoãn.
Cuộc đàm phán 3 bên giữa Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra tại Cung điện Dolmabahce ở Istanbul.
Phái đoàn Ukraine bao gồm Chánh Văn phòng Tổng thống Andrey Yermak, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và Ngoại trưởng Andrey Sibiga.
Phái đoàn Nga tham gia cuộc hoà đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ gồm ông Vladimir Medinsky, Trợ lý Tổng thống Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Thứ trưởng Quốc phòng Aleksandr Fomin và người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Nga, Igor Kostyukov.
Theo ông Medinsky, Trưởng đoàn đàm phán Nga, phái đoàn Moscow quyết tâm tiến hành một cuộc đối thoại mang tính xây dựng nhằm tìm ra tiếng nói chung và các giải pháp khả thi.

Ông Vladimir Medinsky, Trợ lý Tổng thống Nga. Anhr: Sputnik
Ông Medinsky cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã "đặt ra các nhiệm vụ và phác thảo lập trường đàm phán" cho phái đoàn Nga trước khi bắt đầu đàm phán với phái đoàn Ukraine tại Istanbul.
Người đứng đầu phái đoàn Nga lưu ý thêm rằng mục tiêu của các cuộc đàm phán trực tiếp với phái đoàn Ukraine là đạt được hòa bình lâu dài và loại bỏ tận gốc nguyên nhân của cuộc xung đột.
Tuy nhiên, Moscow cũng khẳng định lại các yêu cầu đã từng đưa ra trong các vòng đàm phán trước, bao gồm: Ukraine phải từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO, tiếp tục là quốc gia trung lập và đảm bảo công nhận những thực tế phát triển gần đây bao gồm các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga.
Trong khi đó, phía Ukraine kiên quyết bác bỏ những điều kiện này, cho rằng các yêu cầu này đồng nghĩa với hành động đầu hàng, và đề xuất được đảm bảo an ninh từ các cường quốc, đặc biệt là Mỹ. Chính quyền Kiev được cho là muốn thảo luận về lệnh ngừng bắn với Nga.
Cuộc đàm phán hoà bình ở Istanbul diễn ra theo đề xuất hôm 11/5 của Tổng thống Nga Vladimir Putin và được đưa ra sau khi các lãnh đạo Pháp, Đức, Ba Lan, Anh cũng như Ủy ban châu Âu tuyên bố họ mong muốn một lệnh “ngừng bắn đầy đủ và vô điều kiện” kéo dài 30 ngày nhằm “tạo không gian cho ngoại giao”, đồng thời lưu ý rằng Mỹ ủng hộ sáng kiến này.
Cuộc đàm phán sắp tới tại Cung điện Dolmabahce được xem là tiến triển ngoại giao giữa Nga và Ukraine và là cuộc hòa đàm trực tiếp đầu tiên giữa Moscow và Kiev tại Istabul kể từ tháng 3/2022.
Tuy nhiên, kỳ vọng về một bước đột phá lớn vốn đã thấp, lại càng bị suy giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/5 tuyên bố tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine sẽ không có tiến triển nào nếu không diễn ra cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói với báo giới rằng dựa trên cấp độ của các phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine, khả năng xảy ra đột phá lớn là rất thấp.
“Tôi hy vọng dự đoán của mình hoàn toàn sai. Tôi cũng mong muốn nhận được tin tức vào ngày mai rằng hai bên sẽ bước vào các cuộc đàm phán nghiêm túc và đồng ý ngừng bắn”- Ngoại trưởng Rubio nói.
Giới chuyên gia nhận định, dù việc Moscow và Kiev nối lại đàm phán được đánh giá là tín hiệu tích cực, song những khác biệt sâu sắc về lập trường, điều kiện chính trị và an ninh tiếp tục là trở ngại lớn trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột hiện tại.

Ukraine tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga “dưới bất kỳ hình thức nào”
Kinhtedothi - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này sẵn sàng tham gia "bất kỳ hình thức đàm phán nào" để chấm dứt xung đột với Nga. Tuyên bố trên được đưa ra trước thềm các cuộc đàm phán giữa hai nước tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), trong đó ông Zelensky khẳng định sẽ có các bước đi tiếp theo tùy thuộc vào việc ai là đại diện cho Nga tại cuộc họp...

Nga tuyên bố sẵn sàng thỏa hiệp với Ukraine tại Istanbul
Kinhtedothi - Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky cho biết Moscow sẵn sàng đối thoại cũng như chấp nhận các thỏa hiệp tiềm năng trong khuôn khổ cuộc đàm phán trực tiếp với Kiev.

Ông Putin bất ngờ miễn nhiệm tư lệnh các lực lượng Lục quân Nga
Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/5 đã bất ngờ ra sắc lệnh miễn nhiệm Tướng Oleg Salyukov, người đứng đầu các lực lượng Lục quân Nga từ năm 2014, và bổ nhiệm ông làm Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia.