Mỹ - Trung đình chiến thương mại
Cơ hội vàng cho kinh tế toàn cầu
Kinhtedothi - Thỏa thuận giảm thuế tạm giữa Mỹ và Trung Quốc dù chỉ kéo dài trong 90 ngày nhưng được đánh giá là “liều thuốc quý” cho cả hai nền kinh tế và giúp tránh được những cú sốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu vào dịp cuối năm.
Tín hiệu tích cực
Bức tranh kinh tế toàn cầu vừa đón nhận “luồng gió mới” khi Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhất trí tạm thời hạ nhiệt căng thẳng thương mại bằng một thỏa thuận đình chiến kéo dài 90 ngày. Theo thỏa thuận được công bố ngày 12/5, Mỹ đồng ý giảm mức thuế với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cũng hạ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10%.
Thỏa thuận được công bố sau vòng đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) cuối tuần trước ngay lập tức tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường tài chính toàn cầu. Chỉ số S&P 500 của Mỹ tăng 3,26%, Nasdaq Composite nhảy vọt 4,35%, đồng USD phục hồi, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi lên, còn giá dầu thế giới cũng tăng mạnh. Đây là phản ứng rõ ràng của giới đầu tư trước kỳ vọng rằng nguy cơ đổ vỡ toàn diện trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, vốn đe dọa kéo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái và lan rộng ra toàn cầu, đã tạm thời được hóa giải.
Không chỉ là tín hiệu lạc quan cho các thị trường tài chính, việc hai cường quốc kinh tế hạ nhiệt căng thẳng thương mại còn được đánh giá là bước ngoặt quan trọng giúp xoa dịu những lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng lạm phát và suy giảm niềm tin của DN. “Chúng ta đã thoát khỏi viễn cảnh những mức thuế khổng lồ mà cách đây hơn một tháng vẫn còn hiện hữu” - chuyên gia kinh tế trưởng Douglas Porter tại Ngân hàng Montreal đánh giá.

Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer (trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trong cuộc họp báo thông tin về đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Thụy Sĩ. Ảnh: Getty
Giới chuyên gia cho rằng, việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận đình chiến dù chỉ trong 90 ngày đã nhen nhóm hy vọng về khả năng hai bên sẽ tiến tới một lộ trình giải quyết căng thẳng thương mại bền vững trong tương lai. “Tôi nghĩ đây là một bước tiến quan trọng theo hướng tích cực” - chuyên gia Matthew Martin tại Oxford Economics cho biết. Theo vị chuyên gia này, các mặt hàng xuất khẩu biên lợi nhuận thấp của Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó tại thị trường Mỹ nếu thuế duy trì ở mức 30%, song với các ngành hàng giá trị cao hơn như thiết bị gia dụng hay điện tử, triển vọng vẫn khả quan.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ ra thận trọng với tương lai của thỏa thuận. Chuyên gia kinh tế trưởng Zhiwei Zhang tại Pinpoint Asset Management (Hồng Kông, Trung Quốc), cho biết: “Đây là sự khởi đầu rất tốt, nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng đây chỉ là sự giảm thuế tạm thời trong 3 tháng. Mỹ và Trung Quốc vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước để đi đến thỏa thuận cuối cùng”.
Các ngân hàng lớn nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc
Các ngân hàng đầu tư toàn cầu tuần này đồng loạt điều chỉnh lại triển vọng kinh tế đối với Trung Quốc sau khi Washington và Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận thương mại tạm thời, đánh dấu bước hạ nhiệt hiếm hoi trong quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai cường quốc.
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng UBS của Mỹ, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2025 có thể đạt mức 3,7 - 4%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,4% đưa ra trước đó. UBS cho rằng việc giảm căng thẳng thương mại với Mỹ có thể giúp hạn chế các “cú sốc” đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong trung hạn.
Cùng quan điểm, Ngân hàng Morgan Stanley mới đây đã điều chỉnh tăng dự báo GDP ngắn hạn của Trung Quốc. Theo các chuyên gia của ngân hàng này, giai đoạn đình chỉ thuế quan 90 ngày sẽ khuyến khích các DN đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và sản xuất trong thời gian ngắn để tận dụng ưu đãi thuế, nhờ đó giúp tăng trưởng trong quý II khởi sắc hơn. Cụ thể, báo cáo của ông Robin Xing - nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Morgan Stanley cho biết, GDP quý II có thể vượt mức dự báo hiện tại là 4,5%, trong khi tăng trưởng quý III cũng được kỳ vọng sẽ vượt ngưỡng 4%. Trước đó, ngân hàng này từng dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III chỉ ở mức 4%.
Các ngân hàng khác cũng cập nhật dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm 2025. Ngân hàng ANZ, có trụ sở tại Australia, hiện nhận định GDP của Trung Quốc trong năm nay có khả năng vượt mức 4,2%, sau khi đã điều chỉnh giảm từ 4,8% xuống 4,2% hồi tháng 4. Trong khi đó, Ngân hàng Pháp Natixis cho rằng GDP Trung Quốc có thể đạt 4,5% trong năm nay, tăng so với dự báo cơ sở 4,2%, nếu chính phủ nước này áp dụng thêm các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn và tiếp tục cắt giảm thuế quan.
Ngành bán lẻ Mỹ tránh được “thảm họa” mùa Giáng sinh
Thỏa thuận tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc về việc cắt giảm thuế quan trong 90 ngày được xem là bước đi quan trọng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong mùa Giáng sinh - một trong những thời điểm tiêu dùng lớn nhất trong năm tại Mỹ.
Theo dữ liệu từ Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), gần 20% doanh số bán lẻ tại nước này trong năm 2024 đến từ mùa Giáng sinh, đạt kỷ lục khoảng 994 tỷ USD với mức tăng trưởng 4% so với cùng kỳ. Việc cắt giảm thuế, dù chỉ mang tính tạm thời, được cho là đủ dài để các nhà máy Trung Quốc đẩy nhanh sản xuất và giao hàng kịp thời cho mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm. Ông Ryan Zhao, Giám đốc Công ty Dệt may Jiangsu Green Willow Textile chuyên xuất khẩu sang Mỹ, cho biết các đơn hàng từ Mỹ bị tạm dừng trong tháng trước sẽ sớm quay lại nhờ thỏa thuận mới, dù có thể không đạt mức như trước do nhiều nhà nhập khẩu đã tìm kiếm nhà cung ứng thay thế ngoài Trung Quốc trong vài tuần qua.
Các nhà bán lẻ Mỹ thường đặt hàng trước nhiều tháng, giúp các nhà máy ở Trung Quốc có đủ thời gian sản xuất và vận chuyển hàng hóa tới Mỹ trước các ngày lễ lớn. Tuy nhiên, sau khi Washington và Bắc Kinh đột ngột nâng mức thuế gấp đôi vào đầu tháng 4, buộc nhiều DN phải ngừng sản xuất, gây lo ngại về khả năng gián đoạn việc cung ứng hàng hóa vào dịp Giáng sinh năm nay.
Chính vì vậy, việc hai nước bất ngờ đạt thỏa thuận đình chiến thương mại đã xóa tan nỗi lo này. Ông Cameron Johnson, đối tác cấp cao tại Công ty tư vấn Tidalwave Solutions tại Thượng Hải (Trung Quốc), nhận định rằng khoảng thời gian 90 ngày giúp ngành bán lẻ Mỹ tránh được một "thảm họa Giáng sinh", song vẫn sẽ có ảnh hưởng đến doanh số mùa tựu trường và dịp lễ Ngày của Cha - sẽ diễn ra vào Chủ nhật thứ 3 của tháng 6 (16/6), do thời gian quá ngắn để hồi phục hoàn toàn chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, chi phí logistics và giá cả dự kiến sẽ tiếp tục tăng do vẫn chịu ảnh hưởng từ các mức thuế hiện hành. Trước đó, vào đầu năm 2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tăng thuế 20% đối với hàng hóa Trung Quốc. Và mức thuế này không nằm trong phạm vi được “hoãn” theo thỏa thuận vừa công bố. Ngân hàng UBS ước tính tổng mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc hiện là khoảng 43,5%, bao gồm cả những mức thuế đã được áp trong vài năm qua. Với các mặt hàng như giày chạy bộ sản xuất tại Trung Quốc, mức thuế hiện nay là 47%, cao hơn nhiều so với mức 17% của hồi tháng 1.
Ông Tony Post, Giám đốc điều hành và nhà sáng lập của Topo Athletic có trụ sở tại Massachusetts, cho biết: “Mặc dù hoãn thuế là tin tốt nhưng chúng tôi hy vọng hai nước có thể đạt một thỏa thuận lâu dài và có thể chấp nhận được”.

Toàn cầu hóa có thể "sống sót" trước thương chiến Mỹ - Trung?
Kinhtedothi - Cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với thương mại toàn cầu.

Boeing vào tâm bão thương chiến Mỹ - Trung
Kinhtedothi - Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng leo thang, Boeing - biểu tượng của ngành công nghiệp hàng không Mỹ – đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới với quyết định gây sốc từ Bắc Kinh: yêu cầu các hãng hàng không nội địa ngừng nhận máy bay Boeing và không đặt thêm đơn hàng mới.

Đằng sau quyết định hòa hoãn thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc
Kinhtedothi - Đằng sau sự hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn đó những thách thức dai dẳng và sự bất định vẫn đang rình rập. Chúng đặt câu hỏi liệu đây có phải là động thái xuống thang thực sự hay chỉ là một khoảng lặng tạm thời.