Về giá bán của nhà máy nước mặt sông Đuống, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho hay, TP đã xin ý kiến của Bộ Tài chính và giá 10.246 đồng/m3 là giá tạm tính, để phục vụ cho việc ký kết thoả thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Chủ tịch cũng nhấn mạnh, giá này không phải giá bán đến người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ.
Trong thời gian tới, khi nhà đầu tư phải thực hiện triển khai quyết toán dự án và sẽ có kiểm toán đối với dự án đầu tư này. Sau khi đơn vị quyết toán sẽ xác định được các chi phí chính thức và khi đó sẽ xác định được chính xác giá thành sản xuất của Công ty CP nước mặt sông Đuống.
Chủ tịch UBND TP khẳng định không có lợi ích nhóm trong việc tính giá nước sạch. TP tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư giải quyết cấp bách việc thiếu nước sạch trong thời gian qua, nhất là việc đầu tư toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước đến các nơi xa như Thanh Oai, Mỹ Đức, Hà Đông, Đông Anh…
Trước đó, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, giá này được tính trên nguyên tắc “tính đúng, tính đủ”. Cụ thể đó là: chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%…
“Trên cơ sở tính toán của liên bộ thì nước sạch sông Đuống có giá tạm tính 10.246 đồng/m3. Mức này chỉ là mức tạm tính tối đa, còn mức giá cụ thể thì phải chờ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức”, ông Hà nói.
Ông Hà khẳng định, đến thời điểm này chưa xác định được giá nước sạch sông Đuống (mới tạm tính giá) vì dự án chưa được quyết toán. “Cho nên TP chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan”, ông Hà khẳng định.
Liên quan đến thông tin, giá nước sạch sông Đuống bán buôn cao hơn giá bán lẻ, ông Hà cho biết, nếu giá tạm tính là 10.246 đồng/m3 thì cao hơn giá bán lẻ hiện hành (giá bán lẻ 7.000 đồng/m3). Vì vậy, ông Hà cho biết, TP Hà Nội đang hiệp thương với Công ty nước mặt sông Đuống và các đơn vị phân phối, theo nguyên tắc giá bán buôn không được phép cao hơn giá bán lẻ.
Cụ thể, ông Hà cho hay, theo tính toán của liên ngành thì giá bán lẻ nước sạch sông Đuống là hơn 9.000 đồng/m3, sau khi trừ đi phần hao hụt sẽ còn hơn 7.000 đồng/m3. Vì vậy, liên ngành báo cáo TP Hà Nội dự tính giá sau khi hiệp thương là 7.700 đồng/m3. “Giá nước sạch sông Đuống 10.246 đồng/m3 là mức giá tạm tính để ký kết thỏa thuận, chứ đây không phải là giá bán đến người tiêu dùng, cũng không phải là giá bán lẻ”, ông Hà khẳng định.
Trước đó, ngày 13/11, bà Đỗ Thị Kim Liên - chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống trả lời báo chí về giá nước 10.246 đồng/m3.
Theo bà Liên, câu chuyện về giá được cấu thành bởi tổng mức đầu tư, trong khi đây là dự án đầu tư lớn, số vốn vay cũng rất lớn. Kể cả nhà đầu tư, tư vấn, ngân hàng nếu dự án không minh bạch thì không ngân hàng nào bỏ tiền cho vay. Dự án này minh bạch ở chỗ nếu không đủ điều kiện thì ngân hàng không bao giờ cho vay, giải ngân và ngân hàng giải ngân theo tiến độ của dự án chứ không phải đưa một lúc mấy nghìn tỉ cho nhà đầu tư muốn làm gì thì làm.
Theo bà Liên, nếu so sánh nước sạch sông Đuống với nhà máy nước khác sẽ là so sánh khập khiễng vì khác biệt lớn nhất trong sản xuất nước là công nghệ, công đoạn xử lý làm sao ra giọt nước cuối cùng phải không mùi, không vị, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
“Dự án của chúng tôi là mới, công nghệ châu Âu, các quy trình được khép kín toàn bộ bằng rô-bốt, tự ngắt, tự xúc xả khi có sự cố, không cần phải có bàn tay của con người. Ví dụ có ai đó đổ dầu tại sông Đuống, không bao giờ có mùi dầu ra được bên ngoài. Còn về công nghệ, phải lọc nước chuẩn thì mới có được nước thực sự sạch. Tôi cam kết và đảm bảo nước uống được tại vòi, đạt tiêu chuẩn của châu Âu, sạch hơn cả nước suối đóng chai”, Bà Liên nói.