Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng bệnh nhân bị chó, mèo cắn: Chuyên gia y tế khuyến cáo gì?

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết năm nay, nhiều người không may bị chó, mèo cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở, nhận thức của người dân về bệnh dại cũng đã tăng cao nên họ chủ động đi tiêm phòng vaccine kịp thời.

Nhiều trường hợp bị chó, mèo cắn

Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi trong trạng thái quấy khóc, tâm lý hoảng sợ, có nhiều vết chó cắn ở trên mặt. Mẹ bệnh bệnh nhân cho biết, trước đó con chị sang nhà hàng xóm chơi và bị chó tấn công. Nghe tiếng la hét của con, hàng xóm và gia đình chạy lại thì thấy bệnh nhi đang bị chó cắn, kiểm tra thấy bị thương ở vùng mặt 2 bên má, vết rách chảy nhiều máu, bám bụi bẩn.

Theo mẹ bệnh nhi, con chó tấn công con gái chị được gia đình hàng xóm nuôi để trông nhà. Tại thời điểm xảy ra sự việc, chó được thả rông, không rọ mõm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngay sau đó, gia đình đã đưa bệnh nhi đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Bác sĩ Vương Phương Thảo - Khoa Mắt, Tai mũi họng - Răng hàm mặt, người trực tiếp xử lý vết thương cho biết, bệnh nhi vào viện bị thương ở vùng mặt: Hai bên má, rách sát vách mũi và có nhiều vết thương hở chảy nhiều máu. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vết thương góc trong mắt bên trái vị trí gần mắt nhất. Sau khi đánh giá tình trạng vết thương, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khâu phục hồi đa vết thương và đồng thời tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm huyết thanh phòng dại, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng.

Trước đó, cuối tháng 12/2022, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận bệnh nhân nam (30 tuổi ở Phú Thọ) đến khám do hốt hoảng, lo âu. Qua khai thác, bệnh nhân cho biết, khoảng 3 – 4 tháng trước đó, bệnh nhân bị con chó lạ cắn. Sau đó, bệnh nhân đã đánh chết con chó và làm thịt ăn. Bệnh nhân cũng không đi tiêm kháng huyết thanh. Trước khi vào viện, 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, kích thích, sợ nước, sợ gió lạnh, không tắm, đau mỏi đầu và hai vai. Khi đó, bệnh nhân đi khám ở phòng khám tư nhưng không đỡ.

Sau đó, bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám, được chẩn đoán và làm xét nghiệm virus dại có kết quả dương tính. Bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại khoa Cấp Cứu. Cùng ngày, bệnh nhân hốt hoảng, kích thích, sợ nước sợ gió của bệnh nhân tăng dần. Được bác sĩ giải thích tiên lượng tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, phòng tiêm chủng của bệnh viện đã tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng dại, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, chiếm tỷ lệ 56%. 

Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, có đến 1.365 người dân đến bệnh viện tiêm phòng bệnh dại. Hàng trăm trường hợp phải tiêm vaccine vì bị động vật tấn công trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Cụ thể, có 8 người bị chuột cắn, 55 người bị mèo cào, 496 người bị chó cắn và đả thương, 29 người bị động vật có vú khác cắn phải vào viện tiêm ngừa.

Gia tăng bệnh nhân bị chó, mèo cắn: Chuyên gia y tế khuyến cáo gì? - Ảnh 1

Cũng ngay trong tuần đầu hoạt động trở lại sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC ghi nhận số người dân đến tiêm vaccine phòng dại tăng hơn 300% so với tháng trước Tết.

Ở khu vực miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh, trong tháng 1/2023 ghi nhận hơn 5.000 lượt tiêm vaccine dại, tăng 25% so với tháng 12/2022 và tăng gấp 4 lần so với tháng 11/2022. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng tăng gần 3 lần so với tháng trước.

Chủ động tiêm phòng bệnh dại

Trong dịp Tết, truyền thống tốt đẹp của Nhân dân Việt Nam là xông đất đầu năm, thăm hỏi, chúc phúc người thân, bạn bè. Tết năm nay, nhiều người đi chúc Tết đã không may bị chó, mèo cắn/cào hoặc liếm vào vết thương hở. Nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại hiện đã tăng cao nên họ chủ động tìm đến trung tâm tiêm chủng để được tiêm vaccine kịp thời.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

Khi bị chó, mèo cắn người dân cần chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại.
Khi bị chó, mèo cắn người dân cần chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại.

Do đó, bác sĩ Hoàng Đình Khánh - Trung tâm Phòng, chống dịch, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn người dân cần chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại.

Nếu chủ động tiêm phòng dại trước sẽ có các lợi ích: Tránh phải tiêm huyết thanh kháng dại, loại huyết thanh này được sản xuất từ huyết thanh ngựa nên dễ có phản ứng dị loài, cần thận trọng trong quá trình tiêm và theo dõi sau tiêm. Giải thoát được vấn đề tâm lý khi bị chó, mèo không rõ nguồn gốc cắn. Chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine phòng dại nếu đã tiêm phác đồ dự phòng trước phơi nhiễm.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, kể cả khi đã tiêm vaccine phòng dại thì vẫn cần thực hiện các biện pháp xử lý bệnh. Nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ… Vaccine khi dự phòng trên động vật chỉ làm giảm nguy cơ bị dại, mức độ cảnh báo thấp hơn nhưng không đảm bảo hoàn toàn. Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây, rắc ớt bột lên vết thương theo phương pháp dân gian rất nguy hiểm, sẽ tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn và nguy hiểm hơn, dễ dẫn đến tử vong.

Các chuyên gia cũng khẳng định, hiện nay chưa có một bài thuốc đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

Người dân đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

 

Phác đồ tiêm phòng trước phơi nhiễm đối với bệnh dại như sau:

Liều cơ bản: Tiêm bắp 3 liều (0.5 ml/liều) VERORAB vào ngày 0, ngày 7, ngày 28 hoặc ngày 21.

Liều nhắc lại: Sau mũi 3 một năm và cứ 5 năm nhắc lại 1 mũi vaccine phòng bệnh dại.