Trong đó, có một lượng lớn DN đầu tư, kinh doanh và môi giới bất động sản (BĐS), đã khiến cho làn sóng nghỉ việc, mất việc của đội ngũ làm nghề môi giới BĐS tiếp tục tăng.
Không dễ bám trụ
Anh Nguyễn Văn Hậu (quê Hải Dương) – người có kinh nghiệm gần 10 năm làm môi giới BĐS ở nhiều DN lớn cho biết, trong suốt gần 10 năm theo nghề, anh chỉ tập trung vào bán các sản phẩm dự án (gồm nhà ở, đất nền).
Nghề môi giới BĐS đã mang lại cho anh tính kiên nhẫn, bền bỉ và có những thời điểm mang lại thu nhập tương đối cao, từ 30 – 50 triệu đồng/tháng nhưng trong suốt thời gian xảy ra dịch Covid-19, do không bán được hàng, mỗi tháng anh và các đồng nghiệp của mình chỉ nhận được một phần lương cứng hỗ trợ từ công ty khoảng 3 triệu đồng/tháng.
“Trải qua gần 2 năm khó khăn vì không có doanh số nhưng tôi không nghĩ đến việc bỏ nghề. Những tưởng sau khi hết dịch, hoạt động trở lại bình thường thì thị trường lại rơi vào thời kỳ khủng hoảng mới, DN không có sản phẩm để bán và sự cạnh tranh của chính những người làm môi giới cũng gay gắt hơn, cả tháng trời không “chốt” được khách và nếu có thì phần hoa hồng nhận được cũng bị âm, do phải “cắt máu” sâu với khách hàng để cạnh tranh với đồng nghiệp khác. Do vậy, từ trước Tết Nguyên đán, tôi đã quyết định nghỉ việc chuyển sang làm tư vấn bảo hiểm” – anh Hậu nói.
Câu chuyện của Nguyễn Văn Hậu không phải trường hợp cá biệt, mà là tình trạng chung của hàng vạn người làm nghề môi giới BĐS chuyên nghiệp trong thời gian gần đây.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ra một giai đoạn khó khăn dài cho thị trường BĐS, kéo theo đó là hàng nghìn DN đầu tư, kinh doanh và sàn môi giới BĐS ở trong tình trạng “bên bờ vực thẳm”, mặc dù các DN đã gấp rút tìm giải pháp ứng phó, thích nghi, như tái cấu trúc hoạt động – sản phẩm đầu tư, cắt giảm nhân sự, các khoản chi tiêu nội bộ, thay đổi chiến lược kinh doanh... nhưng hiệu quả mang lại rất hạn chế.
Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2022 số lượng DN đầu tư, kinh doanh BĐS phá sản, dừng hoạt động tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021, có tập đoàn giảm 60 - 70% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong hai tháng đầu năm 2023, số lượng DN kinh doanh BĐS thành lập mới là 550, giảm 62,4% so với cùng kỳ; số lượng DN quay trở lại hoạt động là 608, bằng 81,2% so với cùng kỳ; số lượng DN giải thể là 235, tăng gần 20%.
“Thị trường BĐS khó khăn thì nhân sự trong ngành, đặc biệt với tuyến đầu như đội ngũ môi giới BĐS là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so giai đoạn đầu năm 2022.
Do tắc nguồn vốn tín dụng, vốn trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng, nhiều DN BĐS phải tạm dừng triển khai dự án, đóng cửa hoạt động” – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho hay.
Vẫn chưa hết thời
Những tháng đầu năm 2023, tình hình hoạt động của thị trường BĐS vẫn chưa cho thấy có tín hiệu khởi sắc. Báo cáo tài chính của một số DN lớn hoạt động trong mảng môi giới BĐS có sự giảm sút mạnh cả về doanh thu cũng như lợi nhuận.
DN phát triển BĐS đang trong tình trạng thiếu vốn, khó tiếp cận với các kênh dẫn vốn; thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu mạnh, trong khi chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu tăng. Không ít DN đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên. Chúng tôi mới thống kê ở các đơn vị môi giới, sàn giao dịch BĐS khoảng hơn 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác.
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính
Đơn cử như Công ty CP Dịch vụ BĐS Đất Xanh lợi nhuận sau thuế giảm 41%, Công ty CP BĐS Thế Kỷ “âm” 58 tỷ đồng hay Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi doanh thu chung giảm đến 99,7%, riêng mảng môi giới doanh thu quý IV/2022 giảm đến 76% so với cùng kỳ... Những khó khăn trong kinh doanh dẫn tới việc DN tiếp tục thu hẹp lực lượng nhân sự.
Trong số 130.000 môi giới đang làm việc cho các DN, sàn môi giới BĐS, đến thời điểm này chỉ còn chưa đầy 30.000 người còn “bám trụ” với nghề và con số này dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, trước tình trạng thị trường BĐS vẫn chưa thể phục hồi, trong thời gian chờ đợi hoàn thiện quy định pháp lý, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Trước những khó khăn trong thời gian qua, thời điểm cuối năm 2022 chúng tôi đã phải cắt giảm gần 50% nhân sự, từ 6.380 nhân viên xuống còn 3.340 nhân viên. Nếu tình trạng thị trường không có nhiều chuyển biến tích cực, thì trong năm 2023 này dự kiến sẽ tiếp tục phải cắt giảm khoảng 20% số nhân sự còn lại” – Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc Vũ Cương Quyết thông tin.
Tuy nhiên, theo đánh giá khách quan từ các chuyên gia, mặc dù hoạt động môi giới BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng khủng hoảng chung của toàn thị trường nhưng như thế không có nghĩa rằng những người làm môi giới đã hết thời.
Bởi năm 2023 sẽ là năm khởi động cho tiến trình “phá băng” của ngành BĐS, nhiều tín hiệu tích cực trên cơ sở những giải pháp mang tính chiến lược của Nhà nước được ban hành, đưa vào thực hiện.
Cụ thể như: Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng đặt ra nhiệm vụ phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; Nghị quyết 08/2023/NQ-CP về việc giãn nợ trái phiếu DN; Nghị quyết 33/2023/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS, bổ sung nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội...
“Ngành BĐS chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, nhiều phân khúc chưa được khai thác, đầu tư hiệu quả. Vì vậy, tất cả những giải pháp đã được đưa ra có tính chất quyết định đến sự phục hồi, minh bạch, bên cạnh việc giúp cơ quan quản lý Nhà nước điều tiết, kiểm soát thị trường tốt hơn, cũng tạo điều kiện để DN phục hồi kinh doanh, khi thị trường có nhiều sản phẩm thì môi giới BĐS mới có việc để làm và sẽ kéo theo lượng lớn người làm môi giới quay lại với nghề” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Do các chủ đầu tư dự án BĐS gặp khó khăn về tài chính, không thể tất toán phí môi giới (chi phí bán hàng) cho đơn vị phân phối đã dẫn đến sự xáo trộn mạnh từ cuối năm 2022.
Mặc dù nhân sự môi giới BĐS vẫn biến động hằng năm, giảm trong mùa thấp điểm, tăng trong mùa cao điểm nhưng dự báo trong năm 2023 quá trình thanh lọc nhân sự vẫn diễn ra mạnh hơn. Khi thị trường đi xuống là thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Phạm Lâm