KTĐT - Bộ trưởng Tài chính Bỉ, nước vừa đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU, ông Didier Reynders cho biết các chính phủ sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết nếu các cuộc sát hạch cho thấy một ngân hàng có nguy cơ phá sản và dễ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.
Chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đề ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mới đối với các nước vi phạm quy định về thâm hụt ngân sách công.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp với bộ trưởng tài chính các nước EU ngày 12/7 tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy tuyên bố sẽ gia tăng các mức trừng phạt, trong đó cả các biện pháp tài chính và phi tài chính đối với những nước thành viên vi phạm quy định về ngân sách chung.
Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), EU sẽ ngừng viện trợ phát triển khu vực, các khoản trợ cấp nông nghiệp và ngư nghiệp cho các nước thành viên vi phạm Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định (SGP) của EU, trong đó quy định các nước thành viên không được để thâm hụt ngân sách vượt quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osbrne lại cho rằng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng chỉ nên áp dụng cho các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh ủng hộ việc tăng cường các biện pháp trừng phạt phi tài chính. Anh hiện không nằm trong khu vực đồng euro.
Ngoài nhất trí với đề xuất mở rộng các hình thức trừng phạt đối với những nước thành viên để thâm hụt ngân sách vượt quá mức trần quy định, các bộ trưởng tài chính EU còn cam kết sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn về tài chính.
Bộ trưởng Tài chính Bỉ, nước vừa đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU, ông Didier Reynders cho biết các chính phủ sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết nếu các cuộc sát hạch cho thấy một ngân hàng có nguy cơ phá sản và dễ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.
Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Olli Rehn khẳng định các cuộc sát hạch đối với hệ thống ngân hàng là quan trọng hơn bao giờ hết nhằm khôi phục lòng tin trong nền kinh tế châu Âu. Theo ông Olli Rehn, "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng châu Âu đang là mối quan tâm đặc biệt của giới đầu tư vốn đang lo ngại hệ thống này có thể phải chịu tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu hiện nay.
Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng các cuộc sát hạch sẽ cho thấy một số ngân hàng châu Âu cần nguồn vốn mới như thế nào. Các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Hoàng gia Scotland cho biết chỉ riêng Tây Ban Nha, tổng số vốn cần bổ sung cho các ngân hàng có thể lên tới 50 tỷ euro (63 tỷ USD)./.