Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng ngộ độc rượu dịp cuối năm

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán 2023 cận kề, nhu cầu tiêu thụ rượu, thực phẩm của người dân đang tăng lên. Tuy nhiên, Tết càng đến gần thì tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) càng gia tăng do sử dụng rượu, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Nhiều ca ngộ độc methanol nặng

Thời gian gần Tết, hầu như ngày nào Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết tiêu hoá, xơ gan… Đáng nói, nhiều ca ngộ độc methanol trong tình trạng rất nặng, nguy kịch. Thậm chí, có bệnh nhân nghiện rượu nhiều năm, đã mắc xơ gan cổ chướng, tiểu đường, nhưng hàng ngày vẫn uống rượu.

Điển hình, nam thanh niên N.T.H. (25 tuổi, quê ở Tuyên Quang) sau cuộc nhậu liên hoan cuối năm cùng bạn bè đã rơi vào trạng thái lơ mơ, được đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng nặng.

TS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi nhập viện, chỉ số đường huyết của bệnh nhân H. giảm còn 0,7 mmol/l, trong khi với người bình thường chỉ số này là trên 4 mmol/l.

Một trường hợp khác là bệnh nhân P.T.K. (61 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê. Thời điểm trước khi nhập viện, ông uống đến 1 lít rượu/ngày. Các bác sĩ đánh giá, tất cả cơ quan nội tạng của bệnh nhân đều bị tổn thương. Trong đó, bệnh nhân bị xơ gan, đái tháo đường, gout, kèm theo xuất huyết da, máu giảm, thực quản và dạ dày bị loét, hoại tử chỏm xương đùi, teo não, miễn dịch kém… Với trường hợp này, các bác sĩ tiên lượng nguy cơ tử vong cao.

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng đường máu gần như bằng 0 và tổn thương não, thậm chí, mất não và tử vong. Khi uống rượu tạo cảm giác no giả, nên nhiều người uống mà không ăn khiến bị hạ đường huyết. Có trường hợp uống liên tục vài ngày, uống quá nhiều, uống tràn lan, tới khi nguy kịch mới vào viện thì đã để lại di chứng rất nặng nề, đặc biệt là di chứng não. Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như: Viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy...

“Đặc biệt, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn nguy hiểm đến tính mạng. Nếu uống phải rượu rởm và cồn sát trùng rởm, lúc đầu say như uống rượu thông thường, nhưng 1-2 ngày sau mới mờ mắt, hỏng não thì đã quá muộn. Không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong” - TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Một trường hợp bị ngộ độc rượu được điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Một trường hợp bị ngộ độc rượu được điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Để phân biệt hai loại rượu methanol và ethanol, TS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, khi uống rượu pha methanol có vị hơi ngọt, chứ không đắng như rượu thông thường. Thậm chí, khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu, co giật, hôn mê… Khi đến bệnh viện, hầu hết trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Quyết tâm khống chế ngộ độc thực phẩm

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2022, Hà Nội ghi nhận không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn, xảy ra 5 trường hợp ngộ độc methanol; 5 trường hợp sự cố về ATTP (phản ứng với phụ gia thực phẩm), đã được điều tra và xử lý kịp thời.

Mới đây, UBND Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 336/KH-UBND về công tác ATTP TP Hà Nội năm 2023. Hiện, các cơ quan chức năng, quận, huyện, thị xã của TP đang vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ATTP đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP của TP nên có trách nhiệm tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo hoạch định những vấn đề có tính chiến lược để chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quản lý ATTP.

TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cùng đoàn công tác kiểm tra ATTP tại khách sạn Daewoo.
TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cùng đoàn công tác kiểm tra ATTP tại khách sạn Daewoo.

Để bảo đảm quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm theo quy định, Sở đã giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội quản lý, thu hồi giấy chứng nhận đối với cơ sở không đủ điều kiện ATTP. Đồng thời, đơn vị tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra để xử lý nghiêm cơ sở vi phạm; kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, xây dựng và thực hiện tốt chương trình, dự án, đề án, mô hình điểm ATTP, khống chế ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm.

Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu, chỉ tiêu, 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành y tế quản lý trên địa bàn quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được kiểm tra, giám sát định kỳ, trong đó 84,4% tỷ lệ cơ sở đạt điều kiện ATTP. 100% vụ ngộ độc thực phẩm báo cáo được điều tra, xử lý kịp thời. Khống chế tỷ lệ ngộ độc thực phẩm cấp tính dưới 7 ca/trên 100.000 dân. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, giám sát hậu kiểm, xét nghiệm và lấy mẫu kiểm nghiệm ATTP.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng, ATTP đối với thực phẩm lưu thông nhiều trong dịp Tết, sản phẩm rượu, nhất là các loại rượu được sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc. Kết quả kiểm nghiệm sẽ được thông báo rộng rãi để người tiêu dùng biết, tránh sử dụng những sản phẩm không bảo đảm an toàn.

Theo Bộ Y tế, năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó 18 người tử vong. Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao cũng là lúc gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn khi chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm để bảo đảm an toàn cho sức khỏe và phòng, chống ngộ độc.

Dịp lễ, Tết cuối năm là thời điểm sử dụng bia, rượu tăng cao, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần hạn chế tối đa để bảo vệ sức khỏe. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, với rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).

 

Hiện nay, nhiều người còn có thói quen pha rượu với nước ngọt, bia, cà phê, hoa quả… Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cảnh báo, khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích có trong các loại đồ uống nêu trên tăng cao. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh, khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với đồ uống thông thường. Riêng rượu pha với bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó, khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say, lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.