Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người trẻ

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Miền Bắc và Hà Nội đang bước vào cao điểm của đợt nắng nóng diện rộng. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cẩn trọng với sức khỏe tim mạch của mình. Bởi thực tế cho thấy, bệnh lý tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi.

Xu hướng trẻ hóa lượng người mắc nhồi máu cơ tim

Nắng nóng là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như: tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… có thể bị đột quỵ.

Không chỉ người già, độ tuổi 30 - 40 tuổi mà ngày càng có nhiều người trẻ mắc các bệnh tim mạch. Có những người chỉ khoảng 30 tuổi cũng xảy ra tim ngừng đập, đột ngột và nguy cơ đột tử rất cao. Những ngày nắng nóng liên tiếp đang diễn ra, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần cẩn trọng với bệnh tim mạch.

Mới đây, các bác sĩ Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai đã cứu sống thanh niên bị vỡ tim sau giấc ngủ đêm.

Được biết, trước khi đến viện 5 ngày, anh T. (ngoài 30 tuổi) xuất hiện các cơn ho, khạc đờm trắng đục và có sốt cao 39 độ C kèm đau rát họng. Ngay sau đó, bệnh nhân T. được chuyển đến đơn vị Hồi sức Cấp cứu C1 - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt 38 độ C; đau ngực nhẹ, nhịp tim nhanh…

Bác sĩ Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân.

Siêu âm cấp cứu tại giường, các bác sĩ tim mạch thấy khối phình sau thành thất trái, khối phình rất mỏng, mỏng đến mức có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Nhận định đây là tình huống “vỡ tim” phải mổ mở gấp để giải áp lực máu tràn buồng tim, sau thông tin hội chẩn cấp cứu, kíp mổ được triển khai nhanh chóng và trực tiếp TS Dương Đức Hùng  - Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch C8 - Viện Tim mạch tiến hành ca phẫu thuật.

Bác sĩ Dương Đức Hùng cho biết, kiểm tra, đánh giá lại thương tổn của bệnh nhân thì thấy một phần của buồng thất trái bị giãn mỏng và mỏng đến mức vỡ. Có thể nhận định, đây là một thương tổn nặng, khó xử lý, tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, đặc biệt là mổ trong tình trạng tối cấp cứu và bệnh nhân đã có ngừng tim trước mổ.

Do bệnh lý phức tạp, diễn biến đột ngột và ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng mất huyết áp. Tỷ lệ tử vong cao do vấn đề xử trí rất khó và đòi hỏi phải triển khai hết sức nhanh và tính chuyên khoa cao thì mới có khả năng xử lý được. Mọi việc triển khai đúng tính chất “cướp thời gian” tức là chỉ "cho phép trong vài phút”.

“Khi tim ngừng đập, chỉ trong vòng 4 - 6 phút, não đã có thể tổn thương vĩnh viễn hoặc chết não. Vỡ tim sẽ gây chảy máu, sốc tim, suy tim nặng. Tỷ lệ tử vong do bệnh vỡ tim lên đến 90%” - TS Dương Đức Hùng cảnh báo.

Tương tự, hồi tháng 4/2023, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận nam thanh niên N.T.H. (33 tuổi, sống tại Uông Bí) nhập viện do đau tức từng cơn ngực trái, đau nhiều khi vận động mạnh. Trước đó, bệnh nhân chưa mắc các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp nhưng hút thuốc lá rất nhiều năm.

Sau khi làm các xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Anh H. được chỉ định chụp mạch vành để đánh giá mức độ tổn thương và tiến hành can thiệp mạch.

Khi tiến hành chụp mạch, bác sĩ phát hiện có tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước. Các bác sĩ đã tiến hành đặt Stent mạch vành cho người bệnh. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không còn tình trạng đau tức ngực.

Theo bác sĩ Hoàng Minh Quang - Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, nhồi máu cơ tim được biết đến là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hóa với số lượng người trẻ mắc nhồi máu cơ tim ngày càng tăng cao.

Thống kê của Viện tim mạch Việt Nam, trong tổng số 3.500 - 4.000 trường hợp can thiệp tim mạch tại Viện 1 năm, người dưới 40 tuổi chiếm 15 - 17%.

Theo các bác sĩ, bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đặc biệt là nhóm người hút thuốc lá nhiều, bị stress, có tiền sử tăng huyết áp, rối loại mỡ máu…

Nếu bất chợt xuất hiện khó thở hoặc khó thở thường xuyên, đau thắt ngực, tự nhiên tím tái, đi lại chân mỏi hoặc hồi hộp bất thường thì có thể là các bệnh tim mạch và cần được thăm khám ngay.

Bệnh tim mạch để lại hậu quả nặng nề

Theo Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 3 người trên 25 tuổi có ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. Đây là bệnh không lây dẫn đầu với tỷ lệ tử vong hơn 40%.

GS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, nếu trước kia bệnh tim mạch được coi là của người già, thì nay ngày càng có nhiều người trẻ gặp vấn đề về tim mạch. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch là béo phì, stress, nghiện thuốc lá, rượu bia, thức ăn nhanh, chế độ dinh dưỡng nhiều thịt ít rau, lười vận động...

Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Riêng tại Viện Tim mạch Việt Nam, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng trong những năm gần đây và có khá nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 được ghi nhận.

Trung bình mỗi năm, bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 200 nghìn người, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong ở nước ta. Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não… thì nay, bệnh tim mạch đã xuất hiện ở những người 30 – 40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi.

Đáng lưu ý, có đến 44,3% người 25-74 tuổi ở khu vực TP bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi. Cholesterol máu cao là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không hợp lý, của thừa cân béo phì và sẽ dẫn đến hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng bệnh lý tim mạch, thậm chí để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam thông tin, số ca bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10-20% và ngày càng trẻ hoá.

10 năm trước, mỗi năm Viện Tim mạch quốc gia làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân. Nay số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình 15% mỗi năm.

Ông cũng cho rằng, bệnh tim mạch thực sự đáng lo ngại bởi có thể gây ra gánh nặng cho đất nước khi Việt Nam đang già hóa dân số, nhưng người trẻ lại phải đương đầu với các bệnh lý tim mạch.

Theo GS.TS Đỗ Doãn Lợi – nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, trẻ hóa bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật.

Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

“Bệnh tim mạch có thể được phòng ngừa thông qua vận động thể thao và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và đạm thực vật, đặc biệt là đạm đậu nành - GS.TS Đỗ Doãn Lợi khuyến cáo.

Các chuyên gia cũng lưu ý thêm, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm hay áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim ở người trẻ. Do đó, mỗi người hãy chủ động quan tâm đến sức khỏe của bản thân, giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh.