Giá thép giảm nhưng doanh nghiệp xây dựng chưa hết nỗi lo

Doãn Thành - Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá thép những ngày gần đây đã giảm so với đầu tháng 6, nhưng vẫn cao hơn khoảng 35% so với cuối năm 2020. Hiện tại, nhà thầu xây dựng vẫn đang phải “vật lộn” với những khó khăn.

Các chuyên gia dự báo với mức giảm như vậy không thể kìm hãm được giá nhà trên thị trường bất động sản (BĐS) từ nay đến cuối năm sẽ thiết lập những kỷ lục mới.
Giảm... trên sàn giao dịch
Vào những ngày cuối tháng 6, nhiều thương hiệu thép nội địa như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Thái Nguyên… thông báo giảm giá sản phẩm, với mức giảm 500 - 800 đồng/kg. Ghi nhận cuối phiên giao dịch ngày 23/6 ở mức từ 16.000 - 16.500 đồng/kg.
Không chỉ trong nước, sau giai đoạn tăng nóng, giá thép, quặng sắt trên thị trường thế giới bắt đầu dần hạ nhiệt. Các nhà phân tích thị trường giờ đang nghiêng về khả năng giá thép sẽ giảm, duy trì ở một mức ổn định, không còn tăng mạnh như trước.
 Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Viet Nam. Ảnh: Hải Linh
Ông Phạm Phan Anh - chủ doanh nghiệp phân phối thép tại phố Dịch Vọng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thông tin thị trường thép trong nước giảm mạnh giá bán tuy chưa thể gây ra tác động lớn tới nhu cầu tiêu thụ ngay lập tức.
Vì thực tế mức giá như hiện nay vẫn cao hơn khoảng 35% so với thời điểm cuối năm 2020, nhưng nếu giá thép tiếp tục giảm hoặc duy trì giữ nguyên mức giá, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng trở lại.
Tuy nhiên, các nhà thầu xây dựng vẫn gặp phải khó khăn dù giá thép tăng hay giảm thì đều phải mất một khoảng thời gian làm lại dự toán kinh phí, công trình xây dựng bị chậm hoặc tạm dừng triển khai vẫn sẽ xảy ra. Nếu giá thép ổn định như hiện nay dự kiến cũng phải mất từ 1 - 2 tháng nữa hoạt động xây dựng mới trở lại sôi động.
“Những ngày qua, trên sàn giao dịch và báo giá từ nhà máy sản xuất giá thép đã quay đầu. Nhưng sản lượng thép được doanh nghiệp sản xuất đưa ra thị trường chưa nhiều do nhu cầu của tiêu thụ giảm mạnh, công trình xây dựng riêng lẻ người dân đang mong đợi giá thép tiếp tục giảm sâu hơn nên sẽ triển khai cầm chừng. Không ít nhà thầu xây dựng khó khăn hơn khi phải tạm dừng thi công để làm lại dự toán, kế hoạch...” - ông Phạm Phan Anh phân tích.
Chưa thể giảm sâu
Lý giải về việc giá thép trong nước những ngày gần đây có dấu hiệu “hạ nhiệt”, ông Nguyễn Huy Quang - Công ty Kiểm toán Định giá & Tư vấn Tài chính Việt Nam cho biết, việc các doanh nghiệp sản xuất trong nước hoạt động hết công suất theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm bình ổn thị trường tiêu thụ trong nước, đã tác động tích cực đến việc giảm giá thép. Ngoài ra, do chu kỳ xây dựng và đặc thù về tình hình khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực miền Bắc, bởi thời điểm tháng 6 - 7 là mùa mưa, người dân, doanh nghiệp đều hạn chế khởi công công trình. Số lượng công trình ít nên giá thường giảm theo cung cầu.
“Nhưng từ tháng 8 đến cuối năm là thời điểm hoạt động xây dựng sẽ trở lại sôi động, dự báo giá sắt thép nói riêng, vật liệu xây dựng nói chung sẽ tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng” - ông Nguyễn Huy Quang nhìn nhận.
Giá thép và các loại vật liệu xây dựng từ đầu năm đến nay liên tục leo thang khiến người dân, doanh nghiệp nhà thầu xây dựng gặp khó khăn, nhiều công trình lớn bị đình trệ, chậm triển khai vì những gói thầu xây dựng đã ký hợp đồng cam kết thì gần như giá tăng. Nhà thầu vẫn phải tiếp tục thi công theo tiến độ, đảm bảo cam kết với chủ đầu tư, việc bù giá thì hạ hồi phân giải. Trong khi nhà cung cấp đòi thương lượng lại giá mới cung ứng sản phẩm.
Đáng quan ngại hơn, việc tăng giá như vậy đang tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, vốn đã gặp khó khăn trong khoảng 3 năm trở lại đây do thiếu hụt nguồn cung mới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, thị trường BĐS tác động cộng hưởng đến trên 90 ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, trong đó đặc biệt là ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Giá vật liệu xây dựng tăng buộc chủ đầu tư phải tăng giá bán, thị trường vốn đang thiếu những sản phẩm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội nay càng trở nên khan hiếm hơn.
“Những ách tắc về pháp lý liên quan đến nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội khi chưa được khơi thông, thị trường BĐS khó chồng khó khi dịch Covid-19 hoành hành, vừa qua lại chịu tác động từ tăng giá vật liệu xây dựng. Vì vậy, giá bán căn hộ trên thị trường sẽ được chủ đầu tư điều chỉnh theo biên lợi nhuận kỳ vọng” - ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Các chuyên gia nhận định, hiện nay, nhiều chi phí hình thành nên giá thành của một dự án nhà ở cao tầng, như lãi vay trên dưới 10%, chi phí đất dự án chiếm 15 - 20%, chi phí xây dựng lớn nhất, chiếm 60%, ngoài ra còn chi phí không tên đặc thù của lĩnh vực BĐS. Nghĩa là khi các chi phí này tăng lên đương nhiên giá thành đội lên để đảm bảo lợi nhuận, vì không ai xác định kinh doanh lỗ. Nếu chủ đầu tư ký hợp đồng điều chỉnh giá với nhà thầu, phải bù vào khoảng giá vật tư xây dựng tăng, chắc chắn sau đó sẽ tính vào giá thành bán ra thị trường. Điều này dẫn đến kịch bản chi phí bị tăng lên, cuối cùng người mua nhà phải gánh và nhóm người thu nhập thấp càng khó khăn hơn trong việc sở hữu nhà, khi giá bán có thể tăng từ 15 - 20% so trong thời gian tới.

Những dự báo cho thấy, xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoàng tài chính 2008.

Theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020 - được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Nhu cầu của thị trường mới nổi (trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021.

"Giá thép tăng là một cú đánh mạnh, có thể làm nhiều doanh nghiệp xây dựng phá sản vì đã phải chịu đựng qua một thời gian dài khủng hoảng của thị trường BĐS và dịch Covid-19. Đặc biệt, khó khăn càng chồng chất đối với các nhà thầu đang thi công các dự án do nhà nước đầu tư" - Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải.