Giá thuê bất động sản ở Singapore tăng mạnh

Thanh Đoàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người nước ngoài đang gặp khó khăn khi giá thuê nhà tại đây tăng chóng mặt và không có dấu hiệu chững lại.

Giá thuê Bất động sản tại Singapore tiếp tục tăng. Ảnh: Getty Image
Giá thuê Bất động sản tại Singapore tiếp tục tăng. Ảnh: Getty Image

Bất kể thuê phòng, căn hộ hay nhà riêng thì giá thuê cho người nước ngoài ở đảo quốc sư tử này đang tăng cao.

Theo dữ liệu của Cơ quan Tái phát triển Đô thị Singapore, giá của bất động sản tư nhân đã tăng 29.7% so với cùng kỳ năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 2007. Trong năm 2022, Singapore cũng thuộc 30 thành phố trên thế giới có giá thuê tăng mạnh nhất.

Một số người nước ngoài sống lâu năm nói rằng chủ nhà đang lợi dụng thị trường bất động sản quá nóng để tăng giá - một số nơi đã tăng gấp đôi tiền thuê nhà. Francesca - người Indonesia đã sống ở Singapore lâu năm cùng với gia đình cho biết chủ nhà của cô yêu cầu tăng 100% giá thuê mới tiếp tục hợp đồng.

Christine Li, trưởng bộ phận nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Knight Frank cho biết: “Dù tốc độ tăng giá thuê dường như bắt đầu chậm lại, chủ nhà vẫn kỳ vọng giá tăng cao hơn. Nếu giá thuê tiếp tục tăng, nhiều người sẽ suy nghĩ đến phương án mua nhà”.

Một số chuyên gia dự báo giá thuê có thể giảm vào cuối năm nay.

Alan Cheong, giám đốc điều hành nghiên cứu và tư vấn tại Savill Singapore cho biết: “Giá thuê nhà có thể giảm vào cuối năm 2023 khi nền kinh tế chậm lại và nhiều công ty công nghệ phá sản. Tuy nhiên, giá thuê kỳ vọng điều chỉnh nhẹ và không có khả năng trở về thời điểm trước đại dịch”.

Điều gì làm giá nhà tăng?

Các chuyên gia cho rằng một trong những yếu tố khiến giá nhà tăng cao là ảnh hưởng của đại dịch kéo dài.

Cheong cho biết: “Sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ việc Gen Y và Z tách khỏi cha mẹ để bắt đầu sự nghiệp, cho đến làn sóng chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Singapore đã đẩy nhu cầu nhà ở tăng cao”.

Trong đại dịch, Singapore được coi là “nơi trú ẩn an toàn” khi nhiều người nước ngoài chuyển đến thành phố này để thoát khỏi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc và Hồng Kông.

Ngoài nhu cầu gia tăng đột ngột, thiếu hụt lao động ngành xây dựng trong thời kỳ đại dịch đã khiến nhiều công trình chậm tiến độ, làm trầm trọng thêm vấn đề thị trường nhà ở tại đây. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần