Giá tiêu dùng ở Nhật Bản tăng nhanh nhất trong 7 năm

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi ở Nhật Bản trong tháng 4 đã tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhanh nhất trong vòng 7 năm gần đây.

Chú thích: Người tiêu dùng đang mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Chú thích: Người tiêu dùng đang mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia kinh tế của Nhật Bản cho rằng thực trạng lạm phát gia tăng, chủ yếu do giá thực phẩm và tác động của việc cắt giảm phí điện thoại di động trước đó, sẽ khiến mức tăng giá lên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương nước này trong những tháng tới.

Nhà kinh tế cấp cao Takumi Tsunoda của Ngân hàng Shinkin Central cho biết: “Lạm phát (lõi) toàn quốc có thể tăng trên 2% từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy nhiên, chỉ số này có khả năng không tiếp tục tăng nhanh hơn nữa vì tốc độ lạm phát giá năng lượng đang chậm lại”.

Sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) ở Tokyo nhanh hơn dự báo của thị trường trung bình 1,8%. Trước đó, chỉ số này tăng 0,8% vào tháng 3. Chỉ số CPI không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm cả các mặt hàng năng lượng. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 3/2015, khi chỉ số CPI khi đó tăng 2,2%.

Chỉ số CPI tổng thể của Tokyo (bao gồm chi phí thực phẩm tươi sống) đã tăng 2,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2014.

Ảnh hưởng của việc cắt giảm phí điện thoại di động vào năm ngoái đã đẩy chỉ số CPI chung tăng 0,80 điểm, trong khi giá thực phẩm không tươi sống đã đẩy chỉ số này lên 0,17 điểm.

Cũng trong tháng 4, mức tăng giá của các thực phẩm đóng gói mang đi như sushi, bánh mì kẹp thịt và bánh mì nói chung đạt mức lớn nhất trong số các mặt hàng thực phẩm.

Giá năng lượng ở Tokyo trong tháng trước tăng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn so với tháng 3/2022 nhờ các chương trình trợ cấp nhiên liệu của chính phủ nhằm giảm chi phí xăng dầu và các năng lượng khác.

Chỉ số CPI lõi ở Tokyo (không bao gồm thực phẩm tươi sống và các mặt hàng năng lượng) tăng 0,8% trong tháng 4. Đây là mức tăng đầu tiên kể từ tháng 3/2021.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã nâng dự báo về tỷ lệ lạm phát năm nay nhưng vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm duy trì mức kích thích, hỗ trợ lớn cho đến khi áp lực lạm phát đi kèm với việc tăng lương và nhu cầu mạnh hơn.

Nhà kinh tế điều hành Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura nhận định: "Nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt đợt giảm tốc, trong đó mức chi tiêu tiêu dùng giảm do đồng yen suy yếu và giá cả tăng, làm giảm mức lương thực tế của người lao động”.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần