Chứng khoán Mỹ sẽ chịu sức ép lớn từ gói thuế đối ứng của ông Trump
Theo chiến lược gia trưởng về đầu tư Sam Stovall tại CFRA Research, các mức thuế sâu rộng của Tổng thống Donald Trump có thể đẩy chỉ số S&P 500 trở lại vùng điều chỉnh với mức giảm ít nhất 10% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 2.
Chỉ số tương lai Dow Jones lao dốc hơn 1.000 điểm
Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 2/4 do lo ngại việc Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan có đi có lại áp lên hơn 180 đối tác thương mại sẽ châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại.
Thuế quan có đi có lại, hay còn gọi là thuế đối ứng, được ông Trump công bố sau khi thị trường tài chính Mỹ đã đóng cửa phiên giao dịch chính thức của ngày thứ Tư. Sau khi kế hoạch được công bố, các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc không phanh.

Chỉ số tương lai Dow Jones lao dốc hơn 1.000 điểm trong ngày 2/3 do lo ngại chiến tranh thương mại bùng phát sau khi Mỹ công bố gói thuế đối ứng. Ảnh
Investopedia.com
Có thời điểm, chỉ số Dow Jones tương lai sụt 1.069 điểm, tương đương giảm 2,5%. Chỉ số S&P 500 tương lai sụt 3,6% và Nasdaq Composite tương lai giảm 4,5%.
Cổ phiếu của các công ty đa quốc gia giảm la liệt, như Nike và Apple mất khoảng 7%. Tuy nhiên, mức giảm lớn nhất rơi vào các công ty kinh doanh hàng hóa nhập khẩu ở Mỹ như Five Below giảm 14%, Dollar Tree sụt 11%, và Gap giảm 8,5%... Cổ phiếu công nghệ cũng không nằm ngoài xu thế bán tháo khi tâm lý lo ngại rủi ro tăng cao, với Nvidia hạ 5% và Tesla lao dốc 7%.
Nhà Trắng công bố mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả các quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4. Theo thông báo của Nhà Trắng, những mức thuế cao hơn đối với các nước đánh thuế mạnh vào hàng hóa Mỹ sẽ được công bố trong những ngày tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói với các nhà lập pháp rằng thuế suất đối ứng sẽ đóng vai trò “mức trần” và các đối tác thương mại của Mỹ sẽ có cơ hội để thực hiện những động thái giúp giảm thuế quan.
Theo CNBC, điều khiến nhà đầu tư hoảng sợ là thuế suất được đưa ra đối với nhiều nền kinh tế là cao hơn nhiều so với dự báo trước đó. Chẳng hạn, thuế suất thuế đối ứng với Trung Quốc là 34%, đồng nghĩa hàng Trung Quốc bị áp thuế quan 54% nếu tính cả thuế quan bổ sung 20% mà Tổng thống Trump đã áp trước đó và chưa tính đến thuế quan từ nhiệm kỳ trước của ông.
Trước đó, các nhà giao dịch đã kỳ vọng mức thuế đối ứng của Mỹ chỉ dao động trong khoảng 10-20%.
“Mức thuế quan mới lớn hơn nhiều so với những gì mà nhà đầu tư đã lo sợ, và chưa được phản ánh hết vào thị trường”, chiến lược gia Art Hogan của công ty B. Riley Wealth Management nhận định.
Thuế quan mới của Mỹ có thể đẩy S&P 500 vào vùng điều chỉnh
Theo chiến lược gia trưởng về đầu tư Sam Stovall tại CFRA Research, các mức thuế sâu rộng của Tổng thống Donald Trump có thể đẩy chỉ số S&P 500 trở lại vùng điều chỉnh với mức giảm ít nhất 10% so với mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 2.
“Tôi nghĩ rằng các gói thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ kéo thị trường cổ phiếu xuống thấp hơn. Thị trường sẽ tiếp tục giảm vào ngày mai và chắc chắn sẽ kiểm tra lại ngưỡng giảm 10,1%, có thể đẩy chúng ta vào một đợt điều chỉnh sâu hơn. Mọi người từng kỳ vọng sự rõ ràng của chính sách thuế quan, nhưng điều này lại khiến tình hình trở nên mơ hồ hơn” – ông Stovall cho hay.
Theo vị chuyên gia này, thị trường không kỳ vọng mức thuế có đi có lại sẽ khắc nghiệt như vậy, và kết quả là Phố Wall thất vọng với thông báo chính thức về thuế đối ứng của Nhà Trắng.
“Tôi nghĩ rằng Phố Wall về cơ bản đang nói rằng họ không thực sự chắc chắn về các biện pháp thuế quan trả đũa từ các đối tác thương mại lớn, nhưng điều họ lo ngại là nó có thể dẫn đến lạm phát cao hơn và tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) thấp hơn, nếu không muốn nói là làm gia tăng biến động” chuyên gia Stovall lưu ý thêm.
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong phiên giao dịch chính thức ngày 2/4, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp, nhờ kỳ vọng rằng ông Trump sẽ không đưa ra một kế hoạch thuế quan nghiêm trọng.
Cơ sở của kỳ vọng này là thị trường Phố Wal vẫn tin Tổng thống Trump không muốn đẩy nền kinh tế vào suy thoái và khiến lạm phát tăng cao.
Chốt phiên ngày thứ Tư, chỉ số S&P 500 cộng 0,67%, đạt 5.670,97 điểm. Nasdaq Composite tăng 0,87%, lên mức 17.601,05 điểm. Dow Jones cũng nhích 235,36 điểm, tương đương tăng 0,56%, đạt 42.225,32 điểm.
Trong quý 1, chứng khoán Mỹ đã trải qua nhiều sóng gió, với S&P 500 có lúc rơi vào trạng thái điều chỉnh, vì nỗi bất an xung quanh các kế hoạch thuế quan của ông Trump.
“Nếu Tổng thống Trump chỉ áp thuế quan 10% lên tất cả các quốc gia, thị trường bây giờ có lẽ đang tăng điểm. Tuy nhiên, thuế quan cao hơn nhiều so với dự kiến, thị trường đang phải đối mặt với áp lực giảm và mức độ biến động lớn hơn trước”, chiến lược gia trưởng Lary Tentarelli của trang Blue Chip Trend Report đánh giá.
Tính đến phiên ngày thứ Tư, chỉ số S&P 500 đang thấp hơn gần 8% so với mức cao kỷ lục ghi nhân hồi tháng 2 vừa qua. Mặc dù chỉ số này đã tăng hơn 1% trong tuần này, nhưng nó đã giảm gần 5% trong tháng qua.
Hiện mối quan tâm tiếp theo của giới đầu tư chuyển sang dữ liệu việc làm phi nông nghiệp hàng tháng và bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell để có cái nhìn sâu sắc về tình hình nền kinh tế Mỹ và xu hướng lãi suất.

Chứng khoán Mỹ bất ngờ đảo chiều vì lo ngại thuế quan
Kinhtedothi - Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng quay đầu giảm nhẹ trong phiên ngày 20/3 khi giới đầu tư thận trọng đánh giá những tuyên bố của quan chức Fed về chính sách thuế quan.

Chứng khoán Mỹ ám ảnh nỗi lo chiến tranh thương mại, Dow Jones giảm 155 điểm
Kinhtedothi - Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh do cổ phiếu ô tô bị bán tháo sau thông báo thuế thương mại mới nhất của Tổng thống Donald Trump.

Chứng khoán Mỹ nín thở chờ thông báo thuế đối ứng của ông Trump
Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch khó khăn trong ngày 1/4 khi giới đầu tư chờ đợi chi tiết về mức thuế quan mới của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư.