70 năm giải phóng Thủ đô

Giá tiêu hôm nay 22/2: Điều kiện duy trì vị thế số một toàn cầu  

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 22/2 trong khoảng 81.500 - 85.000 đồng/kg. Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu sẽ tăng 2-3%/năm sau năm 2030 và có thể đạt mức 1 triệu tấn vào năm 2050.

Giá tiêu hôm nay 22/2: Điều kiện tiên quyết duy trì vị thế số một toàn cầu  
Giá tiêu hôm nay 22/2: Điều kiện tiên quyết duy trì vị thế số một toàn cầu  

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 83.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 81.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 82.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 85.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 84.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường trong nước đang có chuỗi ngày đi ngang sau đợt giảm mạnh trước đó.

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 4 nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Trong đó, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 50% lượng tiêu thụ toàn cầu. Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu sẽ tăng 2-3%/năm sau năm 2030 và có thể đạt mức 1 triệu tấn vào năm 2050.

Để giữ được vị thế như hiện nay, trong khi thị trường tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới ngày càng đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, các ý kiến tham gia tại hội thảo tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về phát triển hồ tiêu bền vững do Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức mới đây, đều có chung quan điểm là cần phải có chiến lược cải tiến sâu rộng cả về tổ chức nông dân, kỹ thuật canh tác đến chế biến và tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, trước đây, khi giá hồ tiêu cao, người dân ồ ạt trồng và khai thác quá mức dẫn đến hệ lụy cây chết. Sau giai đoạn khó khăn này, nhận thức của người dân đã thay đổi và chọn những giải pháp canh tác tốt hơn, theo đúng định hướng cũng như xu hướng của thị trường, đó là canh tác bền vững.

Một trong những giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững đặt ra cho các thành viên của HTX là sản xuất một cách tự nhiên nhất, không gò ép cây trồng, sử dụng nhiều phân bón hữu cơ, trồng cây che bóng… Bên cạnh xuất khẩu thô, HTX cũng bắt đầu chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm như: tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu muối một nắng, tiêu xanh, tiêu bột, tiêu ngâm muối... để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để phát triển hồ tiêu bền vững thì nông dân phải thay đổi thói quen canh tác, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thị trường xuất khẩu hồ tiêu hiện vẫn rất lớn, nhất là những thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao thay đổi nhận thức của người nông dân về phương thức sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch và tốt. Trước hết là thiết lập hệ thống canh tác, giữ cho đất và mức độ cây trồng ở trạng thái cân bằng sinh thái giữa ánh sáng, dinh dưỡng và hệ sinh vật đất; giảm sử dụng phân bón hóa học bằng cách tận dụng sản phẩm phụ, phân chuồng; đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất, nước và dinh dưỡng bằng cách đa dạng hóa cây trồng và nông-lâm kết hợp…

“Để làm được điều này, chúng ta phải tạo ra nhiều tổ chức nông dân, hình thành mạng lưới liên kết giữa các HTX, tổ hợp tác nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác và thị trường tiêu thụ. “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, HTX phải là cầu nối giữa nông dân và chính quyền địa phương để cùng nhau kiểm soát, quản lý chất lượng đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết để ngành hồ tiêu Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế số một toàn cầu”, TS Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ tại hội thảo.