Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá USD lên đỉnh mới, doanh nghiệp lo rủi ro

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá USD trên thị trường thế giới một lần nữa phá vỡ mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Những thay đổi của chính sách tiền tệ thế giới sẽ có tác động lớn đến Việt Nam bởi độ mở của nền kinh tế cao.

Nhập khẩu lao đao, xuất khẩu không dễ được lợi

Tỷ giá USD trên thế giới ngày 27/9 đã phá vỡ đỉnh cao trước đó và xác lập đỉnh cao mới với điểm DXY đạt 114,11, tăng 0,92 điểm, tương ứng 0,81% trong 24 giờ qua.

Đồng USD đang tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế.
Đồng USD đang tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 27/9 niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.346 đồng/USD, tăng 12 đồng so với phiên trước. Như vậy, tỷ giá trung tâm đã có phiên tăng thứ 4 liên tiếp, với tổng mức tăng là 45 đồng/USD.  

Tại các ngân hàng thương mại, giá mua thấp nhất đang ở mức 23.560 đồng/USD; giá mua cao nhất đang ở mức 23.630 đồng/USD. Trong khi đó ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất là 23.830 đồng/USD, giá bán cao nhất 23.975 đồng/USD, gần chạm ngưỡng 24.000.

Với độ mở kinh tế cao, có tới hơn 70% hợp đồng mua bán quốc tế của Việt Nam được thanh toán bằng đồng USD. Do đó, bất cứ biến động nào của tỷ giá cũng đều tác động trực tiếp lên DN có hoạt động mua bán với nước ngoài.

Một số DN nhập khẩu cho biết, phải đội thêm khoản chi phí để bù đắp chênh lệch do biến động này. Nhập khẩu hàng tiêu dùng trực tiếp, Công ty Xuất nhập khẩu BENNY tính toán, từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã tăng khoảng 2 - 3%, với mức tăng mạnh của đồng USD đến lúc này, khó giữ được giá bán ra.

Cũng đang chịu tác động bởi giá USD tăng cao, ông Nguyễn Phi Long - Giám đốc một DN nhập khẩu thịt bò Mỹ ở Hà Nội cho biết đang ở thế lưỡng nan, khi chi phí đầu vào tăng mạnh trong 7 tháng vừa qua.

“Vận chuyển, logistics tăng cao khiến DN liên tục phải đội chi phí để nhập hàng về kho, giờ cộng thêm áp lực khi đang phải vay USD từ ngân hàng” - ông Nguyễn Phi Long chia sẻ.

Còn với DN xuất khẩu, tỷ giá tăng tưởng như có lợi, nhưng thực tế không phải như vậy. Bà Trần Kim Thu - đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết đồng Yên Nhật và đồng Euro, bảng Anh giảm giá mạnh so với đồng USD đã tác động tới tình hình xuất khẩu của các DN vào những thị trường này.

Khi USD đắt đỏ, người tiêu dùng các nước thắt chặt hầu bao khiến đơn hàng sụt giảm. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Nhật Bản, châu Âu đề nghị đàm phán lại giá nhập khẩu đề bù đắp những thiệt hại khi đồng nội tệ của họ sụt giá.

Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cho hay, sức mua của người tiêu dùng đã giảm đáng kể, cộng với biến động tỷ giá làm cho hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn từ đầu tháng 8/2022. Nhiều DN dệt may cũng bắt đầu ghi nhận mức giảm từ 30 - 40% đơn hàng trong thời gian tới.

Cùng với đó, biến số tỷ giá còn tác động mạnh đến các khoản nợ vay bằng USD của DN, làm tăng chi phí tài chính. Do vậy, báo cáo tài chính của nhiều DN niêm yết đã ghi nhận lỗ do chênh lệch tỷ giá rất lớn.

Ứng phó với rủi ro tỷ giá

Bên cạnh những biến động về tỷ giá thì tình hình lạm phát tại Mỹ, EU… cũng tác động lớn tới số lượng các đơn hàng xuất khẩu của các DN trong những tháng cuối năm. Nhất là khi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động, tình hình dịch bệnh khó lường. Trong khi các DN còn gặp nhiều khó khăn từ sau dịch Covid-19, đã phải cắt giảm nhiều chi phí để hạ giá thành sản xuất…

Trong bối cảnh đó, theo nhiều chuyên gia, các DN trong nước cần chú trọng gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Đặc biệt, với các công ty nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm đối tác thay thế từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế những rủi ro khi thị trường thế giới biến động.

Bên cạnh đó, khi ký hợp đồng thương mại với đối tác, DN nên thương thảo việc áp mức trần hoặc sàn ngoại tệ thanh toán, để khi tỷ giá biến động tới các trần hoặc sàn, hai bên đều phải chịu chia sẻ rủi ro.

Chủ tịch Công ty CP Chế biến xuất khẩu tôm Việt Mai Bá Dũng chia sẻ, nhiều nhà máy đang đẩy mạnh đàm phán, chia sẻ hài hòa giá thu mua nguyên liệu và giá xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường sản xuất hàng tinh chế để tạo sức cạnh tranh cho thuỷ sản Việt khi Liên minh châu Âu và Nhật Bản đều rất ưa chuộng các sản phẩm này.

Còn theo Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long, các DN có thể tìm hiểu, lưu ý đến công cụ phái sinh (Derivative instrument). Đây là công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào một tài sản cơ sở đã được phát hành trước đó. Ngoài ra, công cụ phái sinh còn là một hợp đồng giữa hai bên, với mục đích trao đổi một số lượng chuẩn tài sản thực (vàng, dầu…) hay tài sản tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ…) theo giá xác định trước vào một ngày ấn định trước trong tương lai.

Theo ông Long, hiện có một số ngân hàng thương mại ở Việt Nam được NHNN cho phép mua/bán các loại công cụ tài chính phái sinh về tín dụng, hoán đổi lãi suất, kỳ hạn về hàng hóa… Các DN có thể tham khảo công cụ này một cách phù hợp, đúng quy định để có thể giảm bớt rủi ro khi giao dịch xuất khẩu trong bối cảnh tỷ giá hối đoái đang có nhiều biến động.

 

Việc Fed liên tục tăng lãi suất khiến cho USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện, thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cao... sẽ tạo bước đệm vững chắc hơn đối với việc chống chọi các cú sốc bất lợi bên ngoài. Dù vậy NHNN vẫn phải phòng thủ từ xa cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed.

Ths Phan Minh Hòa - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT