Chốt phiên giao dịch đêm qua (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng tại mốc 1.869 USD/ounce, tăng mạnh hơn 16 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.869 USD/ounce, tăng 17 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước cũng đảo chiều tăng mạnh so với chốt phiên trước.
Cụ thể, lúc 8 giờ 35 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 62,5 – 63,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 62,5 – 63,12 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 62,35 – 62,95 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 62,5 – 63,1 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 53,6 – 54,3 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá (mua-bán) quanh mức 53,5 – 54,3 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Ngày 16/2, Mỹ đã công bố doanh số bán lẻ tháng 1/2022 tăng 3,8% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với dự báo 2,1% trước đó. Tính trên cơ sở hàng năm, doanh số bán lẻ nói chung đã tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng mạnh tập trung vào doanh số bán hàng tại trạm xăng tăng 33,4% và doanh số bán hàng tại các cửa hàng quần áo tăng 21,9%. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 14,5%. Trong khi đó, một số lĩnh vực bản lẻ tăng thấp hơn mức bình quân chung là doanh số bán đồ nội thất và đồ trang trí trong nhà tăng 7,2%, bán xe có động cơ và phụ tùng tăng 5,7%.
Sau khi các con số kể trên được đưa ra, giới đầu tư đã lo lắng tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tới đây có thể còn tăng cao hơn mức 7,5% công bố trước đó nên đã đẩy mạnh mua vàng nhằm phòng ngừa rủi ro cho dòng vốn. Do đó, đẩy giá vàng tăng mạnh trong phiên vừa qua.
Chuyên gia lại có góc nhìn lạc quan về nền kinh tế số một thế giới. Cụ thể, doanh số bán lẻ tăng cao cho thấy, bất chấp dịch bệnh có lây lan nhanh và tỷ lệ lạm phát có tăng cao, người tiêu dùng Mỹ vẫn đẩy mạnh mua sắm. Mức tăng của doanh số bán lẻ tăng cao hơn giá cả và tỷ lệ lạm phát. Trong khi đó, nếu trừ tăng doanh số bán hàng tại trạm xăng thì nhiều lĩnh vực sản xuất khác đang tăng trưởng tích cực về doanh số. Điều này khẳng định nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh bất chấp dịch bệnh lây lan nhanh.
Kinh tế Mỹ phục hồi mạnh, tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp tính đến đầu tháng 2 ở mức 4%, mức thấp nhất hơn 50 năm qua. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, kể từ tháng 11/2021 trở lại đây tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ duy trì ở mức 3,9-4,2%.
Với những con số kể trên, dự báo Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh hơn dự kiến, với mức tăng lãi suất khả năng là 0,5% trong tháng 3 tới, thay vì 0,25%. Kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi và Fed thắt chặt tiền tệ thì vàng sẽ gặp khó.
Chuyên gia khuyến cáo, trong ngắn hạn giá vàng có thể còn tích cực, nhưng nếu Fed thắt chặt tiền tệ, lạm phát được hạn chế thì có thể từ quý 2/2022 trở đi giá vàng sẽ bị đẩy xuống thấp.