Giá vàng cao kỷ lục: Tiềm ẩn rủi ro

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần vừa qua, giá vàng trong nước đã tăng mạnh gần 2 triệu đồng/lượng, chốt mức 46,1 triệu đồng/lượng vào cuối tuần. Đáng nói, dù vàng đang nhảy vọt và được nhiều chuyên gia nhận định tiếp tục tăng, người mua vàng vẫn gặp nhiều nguy cơ rủi ro.

 Khách hàng mua đồ trang sức tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên phố Trần Nhân Tông. Ảnh: Hải Linh

Vàng được lợi trong thời dịch bệnh Covid-19
Ngày 23/2, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng ở mức 45,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 45,80 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 550.000 đồng ở chiều mua vào. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 45,55 triệu đồng/lượng theo chiều mua vào và ở mức 46,00 - 46,02 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Tính chung tuần qua, giá vàng SJC đã tăng thêm 1,55 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,65 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trong khi giá vàng liên tục "nổi sóng" thì giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục được giao dịch ổn định quanh mức 23.145 đồng/USD mua vào, 23.315 đồng/USD bán ra.
Giá vàng thế giới cũng khép lại tuần giao dịch vừa qua với mức tăng theo tuần lớn nhất trong 8 tháng. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 3,9% là nguyên nhân trực tiếp khiến giá vàng trong nước tăng mạnh tuần qua. Tất cả các phiên trong tuần, vàng đều tăng giá và hầu như không có dấu hiệu hạ nhiệt dù thị trường đã gặp những mức cản quan trọng như ngưỡng tâm lý 1.600 USD/ounce hay đỉnh năm là 1.613/ounce ghi nhận hôm 8/1. So với đầu năm, giá vàng thế giới đã cao hơn 24,9% (320 USD/ounce).
Vàng tăng giá chủ yếu do những tác động kinh tế tiềm tàng của dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu đối với mặt hàng kim loại này. Vàng trở thành kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể giảm lãi suất để duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, thị trường chứng khoán thế giới lại đang chịu áp lực giảm mạnh. Dữ liệu cho thấy, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust hôm 18/2 đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 0,6% lên 929,84 tấn, mức cao nhất kể từ ngày 11/11/2016.
Hợp đồng vàng giao tháng 4 tiến 28,30 USD (tương đương gần 1,8%) lên 1.648,80 USD/ounce qua đó cho thấy vào sự kỳ vọng tăng giá của vàng. Goldman Sachs trong một lưu ý nghiên cứu gần đây đã viết rằng giá vàng có thể vượt mốc 1.850 USD/ounce trong thời gian tới nếu sự bùng phát Covid-19 không thể được kiểm soát trong quý II/2020.
Trong khi đó, Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của nhà môi giới OANDA cho biết, nhu cầu đầu tư an toàn đang rất lớn khi suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đức dự kiến sẽ tồn tại trong nửa đầu năm nay. Một số chuyên gia thậm chí còn dự báo vàng sẽ lên đến 2.000 USD/ounce vì các ngân hàng T.Ư thế giới tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, bơm thêm tiền thúc đẩy nền kinh tế. “Tất nhiên để chạm được vùng đỉnh 2.000 USD/ounce, vàng sẽ phải vượt qua thử thách ngắn hạn 1.750 USD/ounce” - Edward Moya phân tích.

Chờ giá lên cao sẽ bán ra

Tăng giá nhưng thị trường vàng vẫn trầm lắng. Ông Trần Đức Mạnh - Quản lý cửa hàng vàng Phú Quý trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, hiện thị trường vàng giao dịch khá trầm lắng có thể là do khách hàng chưa kịp phản ứng lại với sự biến động của vàng, chỉ lác đác có một vài khách đến bán để chốt lời. Từng mua vàng "lướt sóng" ở thời điểm tăng giá vàng lên 45 triệu đồng/lượng nhưng cũng đã gặp "quả đắng", vì vậy, trong đợt tăng giá này anh Trần Đình Hải ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã không còn mặn mà với kim loại quý. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư may ra hòa vốn so với đợt giá vàng tăng 46 triệu đồng ngày Thần Tài hồi đầu năm nên cũng không vội mua vào, chờ giá lên cao sẽ bán ra.
Bên cạnh đó, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 44,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, vẫn thấp hơn 600.000 đồng so với vàng trong nước. Hiện khoảng cách chênh lệch mua – bán được các DN vàng giữ ở mức khá cao 800.000 – 1 triệu đồng/lượng. Chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Quang Tín nhận định, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 nhưng việc đầu cơ, nắm giữ để chờ giá lên là vấn đề rất rủi ro vì giá vàng biến động rất bất thường. "Chúng ta nên đa dạng hóa tài sản như gửi tiết kiệm, đầu tư kinh doanh, đầu tư chứng khoán, bất động sản... Bởi xét về trung và dài hạn, giá vàng vẫn có thể tăng nhưng nếu nhà đầu tư mua vàng trong vài tháng để "lướt sóng" thì rất rủi ro" - TS Bùi Quang Tín nhận định.
Giá vàng hiện tại dao động rất mạnh và có thể có những biến động không thể lường trước được. Chính vì thế, nhà đầu tư nên rất cẩn thận, theo dõi sát sao diễn biến giá vàng thế giới và trong nước. Đặc biệt, đối với thị trường vàng trong nước, độ chênh lệch giữa giá mua và bán tăng lên tới 800.000 - 1triệu đồng/lượng thì rủi ro rất cao. Lúc giá vàng lên cao như vậy, các nhà kinh doanh sẽ đẩy rủi ro sang những người mua.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần