Giá vàng hôm nay 15/9: Tiếp tục tăng lên trên 1.800 USD sau thông tin CPI của Mỹ giảm

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (15/9), giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục có phiên thứ 2 tăng liên tiếp, sau thông tin CPI của Mỹ tháng 8 giảm so với tháng 7 và cùng kỳ năm trước.

 Giá vàng SJC trên thị trường tự do và giá vàng quốc tế cùng tăng  mạnh. Ảnh minh họa.

Chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.804 USD/ounce, tăng hơn 11 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Đầu phiên sáng nay, tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.802 USD/ounce, tăng hơn 12 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua, nhưng giảm nhẹ 2 USD so với chốt phiên Mỹ trước đó vài giờ.
Sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường tự do cũng tăng mạnh so với chốt phiên trước, các DN vẫn niêm yết ngang giá. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 56,65 - 57,35 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 56,65 - 57,37 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 56,6 - 57,7 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,1 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng miếng SJC niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 56,65 - 57,65 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
Sáng nay, giá vàng nhẫn cũng không có điều chỉnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 50,4 - 51,6 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,2 triệu đồng/lượng.
Nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold giao dịch quanh mức 50 - 52 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá so với phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 2 triệu đồng/lượng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ tăng 1% so với tháng 7, thấp hơn mức dự đoán 1,3%. Trong đó, CPI lõi trong tháng 8 của Mỹ tăng 0,3%, thấp hơn mức tăng 0,5% trong tháng 7 và thấp hơn mức dự đoán là 0,4%. So với cùng kỳ, chỉ số CPI lõi đến tháng 8 chỉ tăng 4%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái ở mức 4,2%.
Theo các chuyên gia, nếu chỉ số CPI tăng từ 4,1% - 4,5% thì đồng USD sẽ tăng trở lại, điều này sẽ khiến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa xem xét việc hạ dần quy mô mua trái phiếu DN xuống. Nếu CPI tăng từ 4,5% trở lên thì Fed sẽ ngay lập tức sẽ đưa ra quyết định thắt chặt tiền tệ bằng việc giảm lượng mua trái phiếu.
Tuy nhiên, khi CPI tháng chỉ tăng 4% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo và thấp hơn mức tăng tháng trước. Điều này đúng với quan điểm trước đó của Fed đưa ra, rằng: Lạm phát tăng mạnh chỉ là tạm thời khi các gói hỗ trợ nền kinh tế được gia tăng hỗ trợ người dân và các chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh mới được nối lại.
Với mức lạm phát như hiện tại, các nhà phân tích cho rằng Fed sẽ chưa có hành động nào liên quan đến việc thắt chặt tiền tệ. Bởi thị trường còn lo ngại rằng, nền kinh tế tiếp tục xấu đi, khi một đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới đang lây lan mạnh do biến thể Delta. Mỹ còn tăng thuế DN lên 26,5% sẽ làm cho các đơn vị sản xuất kinh doanh càng khó khăn hơn.
Thông tin CPI tăng không như dự báo nhưng đồng USD vẫn tăng nhẹ. Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn mua mạnh vàng, bởi họ cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn thì vàng vẫn là kênh đầu tư sinh lời và hạn chế rủi ro cho dòng tiền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần