Cụ thể, lúc 8 giờ 50 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng 1.958 USD/ounce, tăng mạnh 25 USD so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Trước đó, chốt phiên tại thị trường Mỹ đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức trên 1.957 USD/ounce, tăng 13 so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng SJC tại thị trường tự do sáng nay tăng mạnh so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,6 – 67,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước sáng nay. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,6 – 67,22 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đều tăng 200.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,55 – 67,15 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng, niêm yết ngang giá cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn sáng nay ngang giá so với phiên trước. Cụ thể, vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,55 – 56,45 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 900.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 55 – 56,25 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 1,15 triệu đồng/lượng.
Mặc dù, ngày 15/6, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Mỹ từ 0,4% trước đó lên sẽ tăng 1% GDP trong năm 2023. Thông tin này chỉ giúp đồng USD tăng trong phiên Mỹ ngày 15/6, nhưng lại đảo chiều lao dốc ngay sau đó chỉ 1 phiên.
Vào đêm qua có lúc đồng USD đã mất đến 0,6% trong giỏ thanh toán quốc tế, chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng USD trong 6 đồng tiền chủ chốt thanh toán quốc tế xuống mức 102.280 điểm.Vào lúc 8 giờ 55 phút sáng nay chỉ số này đã mất hơn 1% so với cùng thời điểm này sáng qua, về mức 102.160 điểm.
Đồng USD giảm là do Fed ngừng tăng lãi suất, giúp đồng tiền này giảm “nhiệt” trên thị trường. Hơn nữa, kể từ tháng sau, Chính phủ Mỹ bắt đầu phát hành 1.100 tỷ USD tín phiếu để đảm bảo cân đối ngân sách, khi đã đạt được thỏa thuận trần nợ công.
Việc phát hành tín phiếu cũng sẽ đẩy nguồn tiền cung vào thị trường nhiều hơn. Đây cũng là áp lực đẩy đồng USD giảm mạnh giá trị.Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng 22 năm. Cơ quan này cũng phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát.
ECB cho biết, sẽ tăng lãi suất đến các mức đủ để kiềm chế lạm phát trung hạn về đúng mục tiêu 2%.Hiện lạm phát trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm về mức 6,1%, thấp hơn rất nhiều so với mức 2 chữ số vào thời điểm giữa năm 2022.
ECB cũng nhận định, tăng trưởng của Eurozone trong năm nay và 2 năm tiếp theo 2024-2025 sẽ giảm 0,1% so với dự báo trước đó, về các mức 0,9% và 1,5% lần lượt. ECB tăng lãi suất đã giúp đồng EUR tăng giá trong giỏ thanh toán quốc tế, gây sức ép lên đồng USD. Việc ECB hạ tăng trưởng kinh tế trong khu vực cũng giúp cho giới đầu tư đẩy mạnh mua vàng phòng ngừa rủi ro.