Giá vàng hôm nay 19/4: Lao dốc mạnh, SJC mất 600.000 đồng/lượng

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng sáng nay 19/4 trên thị trường quốc tế quay đầu giảm mạnh khi lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo chiều đi xuống. Giá vàng SJC mất đến 600.000 đồng/lượng, rời mốc 71 triệu đồng/lượng lập được trong chiều hôm qua.

Giá vàng SJC giảm mạnh đến 600.000 đồng/lượng. Ảnh minh họa.
Giá vàng SJC giảm mạnh đến 600.000 đồng/lượng. Ảnh minh họa.

Cụ thể, sáng nay giá vàng thế giới tại thị trường châu Á vào lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội) giao dịch quanh ngưỡng 1.976 USD/ounce, giảm gần 10 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và giảm đến gần 20 USD/ounce so với thời điểm 16 giờ chiều qua.

Trước đó, chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng tại thị trường Mỹ đứng ở mức hơn 1.978 USD/ounce, tăng hơn 5 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Giá vàng SJC trên thị trường trong nước sáng nay cũng quay đầu giảm mạnh so với phiên trước, rời ngưỡng 71 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 69,75 – 70,55 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua - bán trong khoảng 69,75 – 70,55 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm 600.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đã tăng đến 700.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 69,8 – 70,7 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 750.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 69,9 – 70,6 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 350.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 56,45 – 57,25 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 600.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 56,55-57,35 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 700.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là thu hẹp còn 900.000 đồng/lượng.

Sáng nay, giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã quay đầu giảm mạnh 0,53% xuống 2,847% vào lúc 8 giờ 20 phút sáng nay (giờ Hà Nội). Trước đó, phiên ngày hôm qua có lúc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua đạt 2,884%. Lợi suất trái phiếu giảm, khiến giới đầu tư chốt lời vàng, hạ tỷ trọng nắm giữ tài sản.

Mặt khác, các nền kinh tế khu vực châu Âu có dấu hiệu suy yếu do lạm phát tăng cao, nhưng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vừa phát đi tín hiệu sẽ chưa sẵn sàng để đẩy nhanh kế hoạch ngừng mua trái phiếu và tăng lãi suất. Trước đó, ECB dự kiến lạm phát tăng cao sẽ cắt giảm lượng mua trái phiếu hỗ trợ DN và nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát từ giữa năm 2022.

Thêm nữa, các đòn giáng mạnh của châu Âu và Mỹ nhằm nhanh chóng làm suy mòn tình hình kinh tế và tài chính của Nga khi đóng cửa hàng loạt ngân hàng Nga, dừng đường bay và tàu thủy đi và đến Nga. Mặc dù, lạm phát tại Nga đã tăng lên 17,5% vào tháng 3, tăng cao và nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.

Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 2 tháng đồng rúp mất giá sâu đã lấy lại được vị thế đúng như trước thời điểm Nga bị phong tỏa các ngân hàng ở nước ngoài. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin: Kinh tế Nga đang dần ổn định, tỷ giá đồng rúp đang trở lại mức như nửa đầu tháng 2 và thặng dư thanh toán đạt mức 58 tỷ USD, một mức cao kỷ lục. Ngoại tệ đang quay trở lại với hệ thống ngân hàng của Nga và khối lượng tiền gửi theo cá nhân đang tăng dần.

Những tín hiệu kinh tế tích cực hơn hồi tháng 2, khi bắt đầu diễn ra “chiến dịch đặc biệt” của Nga tại Ukraine đã khiến giới đầu tư cho rằng, vàng giảm đi vai trò trú ẩn dòng tiền. Do đó, đã chốt lời ồ ạt khi giá tăng mạnh trong phiên chiều qua.

Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, giá vàng vẫn còn tăng và neo ở mức giá cao khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đưa ra cảnh báo nợ tích lũy của các doanh nghiệp và cá nhân trên toàn thế giới có thể kìm hãm quá trình phục hồi kinh tế của các nước.

Cụ thể, GDP của các nước phát triển có thể giảm 0,9% và ở các thị trường mới nổi giảm 1,3% trong 3 năm tới. Cùng với đó, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc vẫn thực hiện phong tỏa nhiều thành phố để chống dịch Covid-19, khiến cho kinh tế nước này có thể suy giảm mạnh quý 1 và 2 năm 2022.

Như vậy, dịch bệnh Covid-19 chưa kịp chấm dứt thì các nền kinh tế đang phải đối mặt với lạm phát leo thang. Nếu các quốc gia không kịp thời đưa ra các biện pháp tháo gỡ sớm, sẽ khiến kinh tế nhanh chóng rơi vào trạng thái suy giảm. Điều này sẽ giúp giá vàng còn leo cao.