Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng hôm nay 5/7: Thiếu yếu tố hỗ trợ, vàng có thể lùi sâu

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng sáng nay 5/7, trên thị trường thế giới lình xình quanh ngưỡng 1.800 USD/ounce. Lạm phát tại khu vực châu Âu đang cao kỷ lục, nhưng tại Trung Quốc sản xuất tăng trưởng mạnh trong tháng 6.

Giá vàng có thể giảm sâu khi kinh tế phục hồi mạnh.
Giá vàng có thể giảm sâu khi kinh tế phục hồi mạnh.

Sáng nay 5/7, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á vào giao dịch quanh ngưỡng 1.809 USD/ounce, nhích tăng 3 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, chốt phiên giao dịch đêm qua – rạng sáng nay tại thị trường Mỹ, giá vàng thế giới giao ngay đứng tại mức 1.807 USD/ounce, giảm 3 USD/ounce so với chốt phiên trước đó.

Giá vàng SJC sáng nay tiếp tục đi ngang so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,1 – 68,7 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 68,1 – 68,72 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,1 – 68,7 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 68,2 – 68,75 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 53,15 – 53,9 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Vàng nguyên liệu 9999 của Tập đoàn Doji, niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 52,85 – 53,05 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 700.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố hỗ trợ và không hỗ trợ. Cụ thể, yếu tố hỗ trợ là lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng mạnh trong tháng 6. Cụ thể, ghi nhận chỉ số lạm phát 19 nước thành viên Eurozone trong tháng 6 tăng 8,6%, cao hơn mức kỷ lục tháng trước là 8,1%.

Đặc biệt, một số quốc gia tỷ lệ lạm phát đã tăng mạnh. Cụ thể, lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 6 đã tăng 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1998, cao hơn mức tháng 5 là 73,5%. Trong đó, tỷ lệ lạm phát cao của Thổ Nhĩ Kỳ do chi phí vận tải tăng 123,37%, thực phẩm và đồ uống tăng 93,93%, hàng hóa gia dụng tăng 81,1%.

Chỉ số lạm phát tăng khiến giới đầu tư vẫn muốn nắm giữ vàng. Tuy nhiên, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng từ mức 49,6 điểm của tháng 5 lên mức 50,2 điểm ở tháng 6.

Chỉ số nhà quản trị PMI của ngành thương mại nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới này trong tháng 6 cũng tăng từ mức 47,8 điểm tháng 5 lên mức 54,7 điểm trong tháng 6.

Hai chỉ số PMI kể trên đều thể hiện quá trình phục hồi nhanh của ngành sản xuất và dịch vụ thương mại trong tháng 6. Việc thúc đẩy nhanh sản xuất và luân chuyển hàng hoá qua hoạt động dịch vụ, thương mại sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của thế giới phục hồi tăng trưởng mạnh.

Chuyên gia nhận định, giá vàng đang có yếu tố hỗ trợ là lạm phát nhưng lại chịu áp lực từ việc phục hồi kinh tế ở một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Dự báo Mỹ cũng đang nỗ lực tìm các giải pháp giúp cho nền kinh tế chỉ giảm tốc “hạ cánh mềm”, chứ không bị suy thoái.

Điều này, khiến nhà đầu tư đang chờ đợi thêm các thông tin để tìm hướng đầu tư mới. Do đó, giá vàng đang lình xình quanh ngưỡng 1.800 USD/ounce. Nếu Mỹ đưa ra các thông tin kinh tế tháng 6 tích cực, nhất là lạm phát bắt đầu chững lại thì giá vàng sẽ lùi sâu dưới mức 1.800 USD và ngược lại có thể tăng trở lại ngưỡng 1.840 – 1.860 USD khi lạm phát tại Mỹ chưa hạ “nhiệt”.