Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng lập mốc mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, giá vàng thế giới đã phá ngưỡng 1.400 USD/ounce (chốt tuần ở mức 1.402,8 USD/ounce) và có đợt biến động mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng bị tác động mạnh lên 39 triệu đồng/lượng.

 Khách hàng giao dịch tại cửa hàng vàng Bảo Tín - Minh Châu. Ảnh: Thanh Hải
Giá vàng tăng không ngừng nghỉ

Giá vàng trong nước đã tăng từ 1,25 - 1,3 triệu đồng/lượng trong tuần, như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn chốt tuần ở mức 38,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,02 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, giá mua vào là 38,82 triệu đồng/lượng, bán ra 39,02 triệu đồng/lượng. Tổng cộng giá vàng trong nước đã tăng 2,65 triệu đồng kể từ cuối tháng 5/2019, tức khoảng 3 tuần tăng liên tiếp.
Nằm trong bối cảnh trên, tỷ giá USD/VND cũng có hướng điều chỉnh trong hai tuần gần đây. Từ mốc 23.460 đồng đổi 1 USD theo giá bán ra của các ngân hàng thương mại sau đợt tăng mạnh trong tháng 5 đến đầu tháng 6, mức quy đổi đến cuối tuần này chỉ còn quanh 23.350 đồng, tức giảm hơn 100 đồng/USD.

Giá vàng thế giới đã tăng hơn 50 USD/ounce, tương đương mức tăng hơn 4,1% so với tuần trước đó. Theo các công ty vàng, giá vàng tăng khá mạnh là do đồng USD liên tục giảm bởi ảnh hưởng vẫn còn rất mạnh mẽ từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lại muốn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất. Trong khi đó, nhiều ngân hàng T.Ư trên thế giới bắn tín hiệu có thể giảm lãi suất trong thời gian tới. Cụ thể, Nhật Bản tiếp tục duy trì lãi suất siêu lỏng với lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở mức gần 0% cũng như giữ nguyên chương trình mua tài sản.

Bên cạnh đó, bối cảnh địa chính trị bất ổn và xung đột thương mại toàn cầu đã khiến cho vàng trở nên hấp dẫn hơn. Chưa kể một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... đang tăng mua để tăng dự trữ vàng nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD khi chiến tranh thương mại với Mỹ có thể bùng phát. “Nếu giá vàng vượt 1.400 USD/ounce thì hoạt động mua kỹ thuật có thể diễn ra ồ ạt, đưa giá vàng vào một đợt tăng mới” - chuyên gia kinh tế Howei Lee thuộc Ngân hàng OCBC nhận định. Còn Citigroup dự đoán rằng, khả năng giá vàng lên mức 1.500 - 1.600 USD/ounce trong vòng 12 tháng tới. Thực tế, mức 1.402,8 USD/ounce của ngày cuối tuần là giá vàng giao ngay, trong khi hợp đồng vàng tương lai đã lên tới 1.415,40/ounce cho thấy tâm lý kỳ vọng của giới đầu tư vào kim loại quý này.

Nhà đầu tư thận trọng

Diễn biến giá vàng trong vài tuần qua dù bất ngờ nhưng không quá kích thích nhu cầu đầu cơ trong nước. Trái lại đã xuất hiện làn sóng chốt lãi. Các đầu mối kinh doanh khẳng định lượng người dân tham gia giao dịch không tăng đột biến. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng trong nước vẫn thấp hơn khoảng 500.000 đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, hiện nay nhu cầu đầu cơ không còn sau hàng loạt chính sách siết thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước. Nhu cầu yếu dẫn đến giá vàng trong nước không theo kịp giá vàng thế giới và giá vàng cũng ít biến động hơn. Chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng, giá vàng tăng mạnh thì tất sẽ giảm mạnh nên người dân cần thận trọng với sự biến động bất thường này, hạn chế không nên mua vàng. Đại diện Doji cũng cho hay, giá vàng đang biến động đầy rủi ro, người mua vàng nên cân nhắc.

Theo nhận định của chuyên gia trên thị trường tiền tệ và ngoại hối Mỹ, ông Wayne Gordon, trong dài hạn, một rủi ro đối với thị trường là FED sẽ không tuân thủ theo lộ trình hạ lãi suất. Việc giá vàng thế giới có còn tăng nữa hay không vẫn còn là ẩn số do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như FED giảm lãi suất, căng thẳng tại Trung Đông cũng như thương chiến Mỹ - Trung…