Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng một tuần biến động mạnh, sức mua gia tăng

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua thị trường vàng đã có nhiều biến động mạnh trước và sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) nâng lãi suất đồng USD.

Vàng thế giới biến động mạnh
Chốt phiên cuối tuần trước vàng đứng giá ở mức 1.234 USD/oz, mất 31 USD/oz so với tuần trước đó, do Tổng thống Mỹ có bài phát biểu về cắt giảm thuế, chính sách kinh tế cởi mở và các quan chức Fed đánh tiếng sẽ nâng lãi suất đồng USD ngay trong tháng 3, giá vàng lại đón nhận thêm thông tin số liệu việc làm mới ở lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ cao hơn dự đoán trước đó đến 37.000 việc làm.

Đầu tuần, khi Fed chưa tăng lãi suất, giá vàng thế giới đã chìm sâu, mất mốc 1.200 USD/oz. Bước sang tuần này, trước khi Fed nâng lãi suất giá vàng đã lao dốc mạnh xuống có phiên vàng giao dịch ở mức 1.190 USD/oz, nguyên nhân do giới chuyên gia và nhà đầu tư lại càng tin tưởng vào nền kinh tế Mỹ đã phục hồi mạnh, lãi suất tăng đồng nghĩa với vàng sẽ giảm giá.
 Giá vàng thế giới tuần qua biến động mạnh, tăng giảm khoảng 40 USD/oz so với cuối tuần trước. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, ngay sau khi Fed tăng lãi suất, giá vàng lại bật tăng mạnh mẽ tới 20 USD/oz chỉ trong một phiên. Và đến phiên cuối tuần này, giá vàng đã chạm đến mốc 1.230 USD/oz, chốt phiên tại Mỹ vào rạng sáng 18/3 ở mức 1.228 USD/oz. Có lúc giá vàng cao nhất còn tăng đến mức 1.233 USD/oz.

Trong tuần vàng biến động mạnh, có lúc mất 44 USD, nhưng rồi cũng phục hồi trở về gần đến điểm khởi đầu tuần, tăng lên 40 USD/oz. Tính chung, cả tuần vàng chỉ mất 4 USD/oz so với cuối tuần trước.
Giá vàng đảo chiều tăng giá đã khiến nhà đàu tư thế giới đẩy mạnh mua vào nhằm tận dụng giá tại thời điểm thấp và cũng để đảm bảo cho tài sản nếu có diễn biến bất ổn về chính trị tại châu Âu.

Vàng trong nước chậm theo sát diễn biến thế giới

Đầu tuần giá vàng SJC giao dịch mua-bán quanh mức 36,54- 36,62 triệu đồng/lượng. Chốt phiên chiều thứ 6, giá vàng đứng quanh mức 36,6 – 36,7 triệu đồng/lượng.

Khi giá vàng thế giới lao dốc mạnh, vàng trong nước giảm không nhiều đã kéo giãn khoảng cách chênh lệch giá giữa 2 thị trường, vàng “nội” cao hơn “ngoại” từ 2,5 triệu lên 3,5 triệu đồng/lượng. Nhưng khi vàng thế giới bật tăng mạnh, vàng trong nước tăng không tương xứng, do đó khoảng cách này lại được rút ngắn còn 3 triệu đồng/lượng.

Tính chung, cả tuần, giá vàng nguyên liệu trong nước đã tăng vài chục nghìn đồng mỗi lượng.

Tuy giá vàng trong nước không có nhiều biến động, song sức mua đã tăng khá do nhà đầu tư bắt đáy.
 Nhà đầu tư trong nước tham gia vào thị trường nhiều hơn.
Mở cửa phiên sáng nay (18/3), giá vàng trên thị trường châu Á vẫn đi ngang so với chốt phiên tại thị trường, giao dịch lúc 9 giờ ở mức 1.228 USD/oz, tuy nhiên vàng SJC lại đi xuống so với chốt phiên hôm qua. Mỗi lượng vàng SJC giảm 10.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Cụ thể, tại thị trường TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC giao dịch lúc 9 giờ mua-bán ở mức 36,51-36,76 triệu đồng/lượng, đi ngang so với chốt phiên hôm qua. Tương tự vậy, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch cùng thời điểm mua-bán ở mức 36,51 – 36,78 triệu đồng/lượng.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc cũng niêm yết giá mở cửa cũng đi ngang so với chốt phiên trước. Cụ thể, Tập đoàn Doji niêm yết giá mua-bán-vàng SJC cùng lúc ở mức 36,62 – 36,72 triệu đồng/lượng. Công ty Phú Quý niêm yết cùng lúc ở mức 36,63 – 36,71 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cùng lúc mua-bán ở mức 36,63-36,7 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia thế giới, phân tích về mặt kỹ thuật, giá vàng có thể sẽ vượt qua mốc 1.240 USD và đi lên mốc 1.250 USD/oz bởi những bất ổn chính trị tại châu Âu.

Đối với vàng trong nước, hiện tại đang không bám sát thị trường quốc tế, nên không có đợt sóng cao trào sảy ra khi Fed tăng lãi suất. Giá vàng SJC vẫn cao hơn vàng thế giới khoảng 3 triệu đồng. Do đó, các chuyên gia trong nước khuyến cáo nhà đầu tư vẫn cần thận trọng cân nhắc kỹ trước khi đầu tư.