Giá vàng ngày 17/3: Bật tăng mạnh khi Fed nâng lãi suất đồng USD

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (17/3), giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc 2 ngày họp của tháng 3 và quyết định tăng lãi suất cơ bản 0,25% so với trước.

Giá vàng thế giới và trong nước đều tăng mạnh sau khi Fed quyết định nâng lãi suất đồng USD. Ảnh minh họa.
Giá vàng thế giới và trong nước đều tăng mạnh sau khi Fed quyết định nâng lãi suất đồng USD. Ảnh minh họa.

Sáng nay (17/3), lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.927 USD/ounce, tăng hơn 7 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Trước đó, phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng chốt phiên tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.926 USD/ounce, tăng hơn 8 USD so với chốt phiên trước đó. Trong phiên có lúc giá vàng thế giới lùi về mức 1.910 USD/ounce, nhưng chốt phiên đã bật tăng trở lại khi Fed quyết định nâng lãi suất.

Giá vàng SJC trên thị trường trong nước đảo chiều tăng mạnh so với phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 67,2 – 68,4 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua - bán trong khoảng 67,2 – 68,42 triệu đồng/lượng.

Các thị trường trên đều tăng 200.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 67 – 68,4 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 67 – 68,4 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,95 – 56,15 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,2 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá mua - bán quanh mức 54,95 – 56,15 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,2 triệu đồng/lượng.

Kết thúc 2 ngày họp tháng 3, rạng sáng nay 17/3 (giờ Hà Nội), Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên mức 0,25-0,5%. Đây là đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 12/2018, sau một thời gian dài nới lỏng tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất và người lao động có việc làm kể từ trước đại dịch Covid-19.

Nguyên nhân chính mà Fed nâng lãi suất đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ đã tăng lên tới 7,9%, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Fed cũng dự báo sẽ nâng lãi suất thêm 6 lần nữa trong năm 2022, đến cuối năm sẽ vào khoảng 1,75% đến 2%.

Thông thường Fed nâng lãi suất thì giá vàng sẽ giảm sâu, nhưng lần này lại đi ngược xu hướng. Mặc dù, lợi tức trên trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên đạt 2,2%.

Chuyên gia nhận định, Fed nâng lãi suất 0,25% trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh như hiện nay chưa thể “xoa dịu” sức “nóng” của lạm phát. Hơn nữa, quyết định nâng lãi suất trong điều kiện nền kinh tế số 1 thế giới không chỉ đối mặt với lạm phát mà có khả năng suy giảm tăng trưởng bởi cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến giá nguyên, nhiên liệu tăng mạnh, làm cho các doanh nghiệp đang bị tổn thương khi khó mua được nguyên, nhiên liệu đầu vào và ngược lại khó bán sản phẩm đầu ra.

Thêm nữa, khi Mỹ và các nước châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga cả trên phương tiện thanh toán, đường hàng không, đường biển; còn Trung Quốc đang tạm đóng cửa các thành phố để khống chế dịch bệnh Covid-19, trong đó có thương cảng Hong Kong sẽ khiến cho các chuỗi hàng hóa tiếp tục bị đứt gãy.

Như vậy, trong thời điểm hiện nay, rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ không chỉ có lạm phát mà khá nhiều yếu tố bủa vây. Do đó, giới đầu tư vẫn tìm đến vàng để tìm kiếm lợi nhuận và bảo toàn vốn.