Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng ngày 26/2: Thế giới và trong nước cùng lao dốc

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (26/2), giá vàng thế giới và trong nước cùng lao dốc. Vàng SJC tiếp tục rơi tự do về dưới mức 66 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới biến động mạnh

Chốt phiên đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đứng phiên tại thị trường Mỹ tại ngưỡng 1.889 USD/ounce, giảm hơn 15 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Đầu phiên sáng nay, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.889 USD/ounce, giảm 23 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Tuần qua giá vàng trên thị trường thế giới bị biến động mạnh do xung đột gia tăng ở Ukraine. Đặc biệt, sáng 24/2, sau khi Nga đã đưa quân đội vào Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng tại miền Đông Ukraine để thực hiện "chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ người dân" vùng ly khai khiến giá vàng trên thị trường thế giới tăng mạnh có lúc lên trên 1.970 USD/ounce.

Giá vàng thế giới tăng - giảm mạnh trong tuần qua.
Giá vàng thế giới tăng - giảm mạnh trong tuần qua.

Nguyên nhân là do giới đầu tư lo ngại một cuộc chiến tranh xảy ra tại khu vực và thế giới. Tuy nhiên, khi Nga cho biết họ chỉ tấn công vào các căn cứ quân sự của Ukraine và đảm bảo an ninh cho người dân khiến giá vàng đã đảo chiều đi xuống.

Hôm qua (25/2), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc các nước châu Âu sợ ủng hộ Ukraine gia nhập NATO và Kiev đã bị bỏ rơi trong cuộc đối đầu với Nga. Ông Zelensky cho biết, Kiev không ngại đàm phán với Nga để chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Ukraine cần sự bảo đảm của bên thứ ba, đảm bảo an ninh cho Ukraine ở một trạng thái trung lập.

Ngay sau đó, Tổng thống Pháp Macron đã lên tiếng tuyên bố ông sẵn sàng làm trung gian giữa Nga và Ukraine nhằm dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn.

Dù kết quả chưa biết thế nào, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy phần nào hạ “nhiệt” căng thẳng đối đầu bằng quân sự tại Ukraine.

Mặc dù, Mỹ và các nước phương Tây cho biết sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới cứng rắn hơn đối với Nga. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định kinh tế Nga đã mạnh hơn rất nhiều 8 năm về trước khi mà Mỹ và các nước châu áp dụng lệnh trừng phạt.

Hơn nữa, châu Âu vẫn còn phục thuộc vào nguồn cung dầu và khí đốt của Nga, do đó sự cứng rắn nào thì châu Âu vẫn chừa ra một lối thoát cho nền kinh tế các nước trong khu vực.

Thông tin trên đã khiến giá vàng thế giới 2 phiên cuối tuần lao dốc không phanh. Nếu tính từ mức giá cao nhất tuần ngày 24/2 ở mức 1.973 USD/ounce đến sáng nay, vàng thế giới đã mất 84 USD/ounce chỉ trong 2 phiên.

Vàng SJC trong nước mất 2 triệu đồng

Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước tiếp tục giảm mạnh về dưới ngưỡng 65 triệu đồng/lượng. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 64 - 65,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 64 - 65,42 triệu đồng/lượng.

Các thị trường trên đều giảm 800.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đã giảm đến 1,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 1,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 64,2 - 65,7 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này cũng đã giảm đến 800.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 1,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 64 - 65,4 triệu đồng/lượng, giảm 900.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 1,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 1,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 54 - 55 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 800.000 đồng/lượng vàng nhẫn. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá (mua-bán) quanh mức 54,3 - 55,1 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã tăng đến 500.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tuần qua cũng đi theo xu hướng thế giới, vọt tăng lên ngưỡng 67,5 triệu đồng/lượng vào ngày 24/2, mỗi lượng vàng đã tăng đến 3,5 triệu đồng chỉ trong 1 phiên. Sau đó, thị trường thế giới hạ “nhiệt”, giá vàng SJC cũng đảo chiều giảm mạnh.

Nếu tính từ mức giá cao nhất tuần trong chiều 24/2 đến sáng nay thì giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji đã giảm 1,8 triệu đồng/lượng chỉ sau 2 phiên. Còn tại Phú Quý đã giảm 1,4 triệu đồng/lượng. Trên thị trường tự do đã giảm 2,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước và thế giới lao dốc đã được chuyên gia cảnh báo trước, bởi dự đoán chiến tranh khó có thể xảy ra diện rộng gây ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế và bất ổn toàn cầu.

Mặc dù Mỹ và châu Âu có đưa ra biện pháp mạnh trừng phạt Nga tới đâu thì vẫn phải xem xét đến những yếu tố nội tại đó là giá nhiên liệu đang tăng, khiến lạm phát khó kiểm soát.

Tới đây, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương châu Âu, Anh xem xét nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát thì giá vàng thế giới còn sụt giảm. Chuyên gia vẫn khuyến cáo,  nhà đầu tư không nên mua vàng tại thời điểm này khi giá đã quá cao.