Giá vàng tăng bất chấp báo cáo kinh tế tích cực

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (18/1), giá vàng thế giới đảo chiều tăng, bất chấp nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc có tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với dự báo.

Giá vàng tăng trên thị trường quốc tế. Ảnh minh họa.
Giá vàng tăng trên thị trường quốc tế. Ảnh minh họa.

Chốt phiên giao dịch đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ đứng phiên ở mức 1.818 USD/ounce, tăng hơn 1 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.

Đầu phiên sáng nay, trên thị trường châu Á, lúc 8 giờ 20 phút (giờ Hà Nội) giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.821 USD/ounce, tăng trên 7 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Mở cửa phiên sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường tự do đi ngang so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 40 phút, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 61,1 - 61,7 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 61,1 - 61,72 triệu đồng/lượng.

Các thị trường trên đều ngang giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.

Các doanh nghiệp điều chỉnh giá vàng miếng SJC trái chiều nhau. Cụ thể, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 61,05 - 61,65 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng chiều mua vào, nhưng giảm 70.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.

Tại Công ty Phú Quý, niêm yết giá vàng miếng SJC trên thị trường Hà Nội mua - bán ở mức 61,2 - 61,65 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giữ giá chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 450.000 đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 52,6 - 53,3 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết (mua-bán) quanh mức 52,5 – 53,3 triệu đồng/lượng, ngang giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 triệu đồng/lượng.

Nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc vừa công bố tăng trưởng GDP năm 2021 của nước này tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 114,37 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 18 nghìn tỷ USD). Tốc độ tăng GDP của Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức mục tiêu đề ra là trên 6%.

Thông thường, các thông tin kinh tế tích cực sẽ khiến vàng giảm giá. Tuy nhiên, khi Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế cao, nhưng đồng thời Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) đã bất ngờ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn lần đầu tiên sau gần 2 năm khi thị trường bất động sản lao dốc và các đợt bùng phát dịch bệnh gia tăng.

Cụ thể, PBoC đã cắt giảm lãi suất 0,1% từ 2,95% xuống 2,85% của các khoản vay trị giá 700 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 110,19 tỷ USD) thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) một năm đối với nhiều thể chế tài chính. PBoC cũng giảm lãi suất của các thỏa thuận mua lại đảo ngược kỳ hạn bảy ngày từ 2,2% xuống 2,1%, với 500 tỷ NDT các khoản vay MLF sẽ đến hạn trong ngày 17/1. Quyết định này PBoC đã “bơm” vào hệ thống ngân hàng 200 tỷ Nhân dân tệ.

PBoC đưa ra quyết định hạ lãi suất đồng Nhân dân tệ là do, Tổng cục Thống kê Trung Quốc báo cáo mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2021 tăng mạnh, nhưng trong quý 4/2021 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo tăng 3,3%, nhưng giảm mạnh so với mức tăng 4,9% đạt được trong quý 3. Đây là quý thứ 2 liên tiếp kinh tế Trung Quốc giảm tốc, do đó PBoC đã bơm tiền vào nền kinh tế để kích thích sự phục hồi các hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Kinh tế giảm tốc và lượng tiền cung lớn vào thị trường khiến đồng tiền rẻ đi đã giúp vàng lấy lại đà tăng giá, khi giới đầu tư đẩy mạnh mua vào. Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý rằng, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD vẫn mạnh lên, do đó, giá vàng khó có thể tăng cao.

Đọc tiếp