Một động lực khác của cơ "sốt vàng" là sức mua từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và người tiêu dùng.
Cả Trung Quốc đổ xô đi mua vàng?
Đây là cách nói ví von hình tượng về sức mua vàng ở Trung Quốc thời gian gần đây. Mọi thứ có thể không hoàn toàn như vậy, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng Ngân hàng Nhân dân (PBOC), tức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã liên tiếp mua vàng trong nhiều tháng qua.
Dữ liệu cho thấy, tính đến cuối tháng 4, dự trữ vàng của nước này ở mức 72,8 triệu ounce (tương đương gần 2.064 tấn), trong khi đến cuối tháng 3 là 72,74 triệu ounce, tăng 60.000 ounce so với tháng trước. Đây là tháng thứ 18 liên tiếp PBOC tăng lượng vàng dự trữ.
Nhu cầu mua vàng trong dân ở Trung Quốc cũng có xu hướng tăng. Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc, lượng tiêu thụ vàng ở nước này đã tăng 5,94% so với một năm trước, lên 309 tấn trong quý 1 năm 2024.
Còn theo “Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng toàn cầu” của Hội đồng Vàng Thế giới công bố hồi đầu năm, năm 2023, Trung Quốc đã bỏ xa Ấn Độ với mức tiêu thụ vàng trang sức và vàng miếng tăng kỷ lục 630 tấn. Con số này của Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng thứ hai thế giới, là 562 tấn.
Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc đã tăng 10% trong năm 2023. Trong đó, đầu tư vào vàng miếng và vàng xu tăng tới 28%.
Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Từ góc độ quốc gia, đa dạng hóa dự trữ ngoại hối đang là nhu cầu của nhiều nước, với Trung Quốc điều này càng trở nên quan trọng. Bởi việc phụ thuộc quá mức vào một loại tiền tệ dễ khiến một quốc gia gặp nhiều rủi ro, bao gồm biến động tỉ giá và nguy cơ bị trừng phạt kinh tế.
Bên cạnh đó, tích lũy vàng còn có thể giúp nước này phòng ngừa lạm phát và bảo vệ giá trị dự trữ ngoại hối.
Mặt khác, lượng vàng dự trữ đáng kể cũng sẽ hỗ trợ Trung Quốc giữ vững tỷ giá đồng nhân dân tệ. Cách làm này vừa giúp củng cố niềm tin của người dân trong nước vào đồng nội tệ, vừa khuyến khích các quốc gia khác sử dụng đồng tiền này nhiều hơn trong giao dịch tài chính và thương mại quốc tế.
Từ góc độ của các nhà đầu tư và người tiêu dùng cá nhân, khi các kênh đầu tư hàng đầu khác như bất động sản hay chứng khoán không còn sức hút, thì vàng là kênh trú ẩn an toàn. Đầu tư vàng có thể giúp họ phân tán rủi ro trong danh mục đầu tư và đảm bảo ổn định tài chính trong bối cảnh biến động tiền tệ.
Trung Quốc quản lý giá vàng thế nào?
Mặc dù nhu cầu mua vàng trong dân khá cao, nhưng thị trường vàng ở Trung Quốc hiện vẫn đang biến động theo giá vàng thế giới mà không xảy ra bất kỳ sự xáo trộn nào.
Ở nước này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là đầu mối duy nhất quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trước năm 2001, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, PBOC độc quyền thị trường vàng trong nước. Tuy nhiên, việc PBOC độc quyền phân phối và kiểm soát giá khiến giao dịch trên thị trường không ổn định, giá cả không tuân theo quy luật cung cầu, vàng nhập lậu tăng mạnh. Chính vì vậy, những năm gần đây, Trung Quốc đã từng bước tự do hoá thị trường vàng.
Hiện nay, Trung Quốc có một trung tâm giao dịch vàng, đó là Sở giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) hay còn gọi là sàn vàng Thượng Hải. Sản phẩm được phép giao dịch là vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế, cũng như các kim loại quý khác như bạch kim và bạc.
Sàn vàng này thành lập từ cuối năm 2002. Sự ra đời của sàn vàng Thượng Hải đã đánh dấu sự chấm dứt cơ chế độc quyền đối với thị trường vàng của Trung Quốc. Ngoài nhà đầu tư chuyên nghiệp là các quỹ thì cá nhân cũng được giao dịch tại đây.
Tuy nhiên, theo quy định, nhà đầu tư cá nhân chỉ được phép giao dịch trong giới hạn số dư tài khoản tiền hoặc vàng của họ. Tức là ngân hàng không được phép cho nhà đầu tư vay để đầu tư vượt quá số tiền hoặc vàng họ đang nắm giữ.
Về giá cả, mặc dù cũng có sự chênh lệch giữa giá vàng Trung Quốc và thế giới, nhưng theo quy định của cơ quan chức năng, khi định giá bán vàng 99,99%, các doanh nghiệp nước này được cộng thêm tối đa 15% trên cơ sở giá của sàn vàng Thượng Hải công bố hàng ngày. Hay nói một cách khác, giá vàng ở Trung Quốc sẽ luôn dao động trong một biên độ đã định.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Trung Quốc có thể mua vàng từ thế giới thông qua sàn vàng để sản xuất thành vàng mang thương hiệu của riêng mình. Trong đó, nhiều nhất là các ngân hàng mua vàng về dập thành vàng thỏi, vàng miếng mang thương hiệu của ngân hàng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhà nước, tư nhân cũng được tham gia kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi. Để giành thị phần, các doanh nghiệp này thường bán với giá thấp hơn so với mức trần cộng thêm 15%.
Khi nào Trung Quốc ngừng mua vàng?
Tính đến cuối tháng 4, PBOC đã tăng lượng vàng dự trữ tháng thứ 18 liên tiếp. Mặc dù vậy, lượng mua trong tháng 4 đã giảm nhiều so với 2 tháng trước đó. Trong tháng 2 và 3, PBOC lần lượt mua thêm 390.000 ounce và 160.000 ounce, trong khi tháng 4 chỉ mua thêm 60.000 ounce.
Sở dĩ các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc quyết định coi vàng là một khoản đầu tư hấp dẫn từ góc độ đầu tư dài hạn, là do căng thẳng địa chính trị trên thế giới ngày càng gia tăng, như các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, cùng những lo lắng về nền kinh tế.
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đang phát đi thông điệp coi vàng như khoản đầu tư dài hạn đáng tin cậy, thì việc dân chúng đổ xô đi mua vàng, bất chấp những biến động về giá, cũng là điều khó tránh.
Giải thích lý do tăng tích trữ vàng, PBOC cho biết quyết định này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm mong muốn đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, phòng ngừa lạm phát, tăng cường vai trò quốc tế của đồng nhân dân tệ, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ vàng trong nước khi căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung lên cao và xung đột nổ ra ở nhiều nơi.
Lượng mua vàng của Trung Quốc đã giảm, nhưng liệu khi nào nước này ngừng mua? Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trước tiên, nếu bất ổn địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới và việc đối đầu giữa các nhóm quốc gia còn tiếp diễn thì động lực tăng dự trữ vàng vẫn tồn tại. Việc các ngân hàng trung ương toàn cầu, trong đó PBOC gia tăng tích trữ vàng vẫn sẽ là xu hướng dài hạn.
Từ góc độ người dân, nhu cầu mua vàng chỉ dừng lại khi nền kinh tế và thị trường bất động sản của Trung Quốc thể hiện đà phục hồi rõ nét và có dấu hiệu khởi sắc.
Có dự báo cho rằng, nếu lạm phát ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU không giảm thì kịch bản dự báo giá vàng thế giới tăng đến mốc 2.700 - 3.000 USD/ounce mà một số tổ chức tài chính nêu ra gần đây là có xác suất xảy ra trong dài hạn.