Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 118,09 USD/thùng, giảm 1,06 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 121,77 USD/thùng, giảm 1,30 USD/thùng trong phiên.
Các chuyên gia nhận định, giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 6/6 với xu hướng tăng mạnh, khi thị trường ghi nhận thông tin Ả-rập Xê-út tăng mạnh giá bán dầu và đồng USD giảm. Điều này diễn ra trong bối cảnh Mỹ cho phép chở dầu từ Venezuela đến châu Âu.
Sau cuộc họp chính sách tháng 6/2022, OPEC+ đã quyết định tăng mạnh sản lượng khai thác thêm 650.000 thùng/ngày, cao hơn nhiều mức tăng sản lượng 432.000 thùng/ngày được thực hiện từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mức tăng sản lượng này là quá khiêm tốn so với mức thiếu hụt dự kiến 2 triệu thùng/ngày do lệnh cấm vận dầu Nga của EU có thể gây ra.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 6/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 117,80 USD/thùng, tăng 1,57 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 121,36 USD/thùng, tăng 1,64 USD/thùng trong phiên.
Đà tăng của giá dầu tiếp tục được duy trì trong những phiên giao dịch sau đó, khi áp lực nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng, còn đồng USD suy yếu. Bên cạnh đó, thị trường cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng tăng sản lượng của OPEC+, trong khi nhu cầu đi lại mùa du lịch được dự báo tăng cao. Tại Mỹ, giá nhiên liệu ở Mỹ đang được ghi nhận ở mức kỷ lục khiến lo ngại về việc Mỹ áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu dầu ngày một lớn.
Đến phiên 9/6, khi nguy cơ về việc gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Na Uy được dấy lên, giá dầu đã quay đầu tăng vọt. Na Uy đã khai thác gần 1,8 triệu thùng/ngày trong tháng 2, vận chuyển dầu thô đến Anh, Trung Quốc, Thụy Điển, Hà Lan và Đức. Na Uy cũng là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ tư thế giới.
Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei cho biết, theo các dữ liệu mới nhất thì sản lượng khai thác của OPEC+ hiện đang thiếu hụt 2,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu.
Nguồn cung dầu toàn cầu cũng được dự báo khó có đột phá để khoả lấp sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga cũng như đáp ứng các nhu cầu tiêu thụ gia tăng do đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đã giảm mạnh tới 23% trong năm 2021, xuống còn 341 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, khi thông tin về việc Bắc Kinh, Thượng Hải của Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn các ca nhiễm Covid-19 mới, và đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng Fed tăng lãi suất, đẩy giá dầu quay đầu giảm mạnh.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô càng lớn hơn khi nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng sau khi Mỹ công bố mức lạm phát cao kỷ lục. Theo dữ liệu vừa được công bố, chỉ số giá tiêu dung (CPI) tháng 5/2022 tại Mỹ đã tăng 1% so với tháng trước, kéo theo CPI tính theo năm tăng lên mức 8,6%, cao hơn rất nhiều con số dự báo 8,2%.
Với những diễn biến trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu tuần tới dự báo sụt giảm mạnh. Đặc biệt khi Fed nhiều khả năng quyết định tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Quyết định này của Fed nếu có sẽ tạo áp lực “kép” đối với giá dầu.