Giá xăng dầu chưa giảm: Bỏ quên quyền lợi người tiêu dùng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11/8,Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã làm việc với Cục Quản lý giá để tổng hợp tình hình công tác điều hành giá cả, trong đó có bàn về giá xăng dầu.

Kỳ vọng vào quyết định điều chỉnh
 
Thông tin này đã khiến người dân hy vọng về một quyết định điều hành giá xăng dầu hợp lý nhất là khi giá dầu trên thị trường thế giới đang lao dốc hiện nay. Càng hy vọng hơn khi tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, ưu tiên của ông là làm rõ thực trạng sản xuất kinh doanh, chi phí giá thành và lợi nhuận của Petrolimex nói riêng và minh bạch hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu nói chung.
 
Tuy nhiên, đến 18 giờ ngày 11/8, các thông tin về cuộc họp này vẫn chưa được Bộ Tài chính công khai. Trả lời báo Kinh tế & Đô thị, đại diện truyền thông của Bộ này cho biết, đây chỉ là một cuộc làm việc bình thường chứ không phải là một cuộc họp bàn riêng về điều hành giá xăng dầu.
 
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết đang tính toán giữa xử lý linh hoạt về thuế và sử dụng quĩ bình ổn nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước. Nếu so sánh mức dao động trong tuần qua từ 86 - 95 USD/thùng cũng đã thấp hơn nhiều so với thời điểm giá xăng trong nước tăng lên 21.300 đồng/lít ngày 29/3/2011 là 104 USD/thùng. Với tình hình như vậy, Bộ Tài chính nên giảm giá bán trong nước thay vì áp dụngviệc nâng mức thuế nhập khẩu. Nếu giảm giá xăng sẽ giúp chỉ số giá tiêu dùng giảm theo, từ đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ rất lớn cho đời sống người dân và doanh nghiệp.
 
Doanh nghiệp không muốn giảm
 
Tại hội nghị giao bantrực tuyến của Bộ Công Thương đầu tháng 8 mới đây, bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thừa nhận: Trong tháng 6/2011, doanh nghiệp đã có lãi và hoàn hoàn có thể giảm giá từ200 - 300 đồng/lít xăng dầu. Tuy nhiên, do không có hướng dẫn rõ ràng về việc xử lý khoản lỗ khoảng 2.000 tỉ đồng vì phải giữ giá bán trong quí I nên doanh nghiệp không giảm giá. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp xăng dầu hiện đang chi trả chiết khấu ở mức rất cao từ 700 - 1.200 đồng/lít cho các đại lý bán lẻ cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không có ý định giảm giá.
 
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng: "Do chưa có cơ chế giám sát và chế tài, buộc doanh nghiệp hạ giá khi giá thế giới giảm nhanh và sâu. Cùng với đó là việc chưa minh bạch và công khai hóa các chỉ số thành phần đầu vào giá xăng dầu (hiện Petrolimex có đưa cách tính giá xăng dầu lên trang web nhưng đây là mức giá cơ sở được tính trên qui định của Nghị định 84.
 
Các yếu tố đầu vào do các cơ quan Nhà nước ban hành chứ không phải giá vốn của doanh nghiệp), nên việc doanh nghiệp nói lỗ không có cơ sở để xác định chính xác. Đồng tình với ý kiến này, ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, cho rằng: Để giá trong nước kịp điều chỉnh theo biến động giá thế giới, cần xem xét lại cơ chế thẩm định giá. Nên công khai mức giá nhập khẩu, tỉ giá và các mức thuế cụ thể xem doanh nghiệp có lãi hay không rồi điều chỉnh.
 
 

"Vấn đề của điều hành xăng dầu trong nước là giá xăng dầu do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính điều chỉnh, nhưng, vừa qua lại có chủ trương giao cho các doanh nghiệp tự chủ hơn trong điều chỉnh giá. Với chủ trương như vậy, nhiều doanh nghiệp chỉ có tăng giá lên chứ không giảm trong khi không có một chế tài nào để xử lý. Đây là điều rất nguy hiểm và gây thiệt thòi cho người dân".

Ông Trần Viết Ngãi Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam