Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 1/4: Đi ngang do tồn kho tăng

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga ra lệnh cho các công ty cắt giảm sản lượng trong quý II, tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng bất ngờ và đồng USD mạnh lên, giá xăng dầu thế giới gần như đi ngang đầu phiên giao dịch ngày 1/4.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 1/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 5 leo dốc khoảng 3,2% vượt mức 83 USD/thùng. Còn dầu Brent Brent tăng 2,4% lên mức 87 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 1/4: Đi ngang do tồn kho tăng - Ảnh 1

Các chuyên gia cho biết, giá dầu tuần trước bật tăng sau một tuần trái chiều. Tuần trước, giá dầu chỉ giao dịch 4 phiên do nghỉ lễ thứ Sáu tuần Thánh. Trong 4 phiên, giá dầu giảm 2 và tăng 2 phiên. 2 phiên giảm rơi vào giữa tuần với mức giảm khiêm tốn, chịu tác động bởi thông tin chính phủ Nga ra lệnh cho các công ty cắt giảm sản lượng trong quý II để đáp ứng mục tiêu 9 triệu thùng/ngày theo cam kết với OPEC+; tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng bất ngờ và đồng USD mạnh lên.

Theo Viện Dầu khí Mỹ, tồn kho dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 22/3 tăng vọt tới 9,337 triệu thùng. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay, tồn kho dầu thô và xăng của nước này tăng lần lượt là 3,2 triệu thùng và 1,3 triệu thùng.

Giá dầu đã tăng hơn 1 USD ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần do lo ngại nguồn cung giảm sau khi các cơ sở lọc dầu của Nga liên tục bị máy bay không người lái tấn công khiến công suất lọc dầu giảm mạnh tới 14%.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng khoảng 2%, được hỗ trợ bởi triển vọng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày và Mỹ thắt chặt số lượng giàn khoan. Theo Baker Hughes, số giàn khoan dầu và khí đốt của Mỹ, một chỉ số sớm của sản lượng tương lai, đã giảm 3 giàn xuống 621 giàn trong tuần tính đến ngày 28/3.

Giá dầu đã kết thúc quý I/2024 ở mức khá cao. Từ đầu năm đến nay, cả dầu Brent và WTI đều đã “bỏ túi” hơn 12%. Theo các nhà phân tích, giá dầu sẽ tiếp tục leo dốc trong quý II nhưng sẽ biến động tăng-giảm trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong bối cảnh OPEC+ vẫn duy trì mức cắt giảm sản lượng tự nguyện đến tháng 6, thậm chí là hết năm.