Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 2/7: Dự trữ giảm khiến giá dầu thô tăng

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp việc lo ngại lãi suất tăng, nhưng dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ giảm mạnh khiến giá xăng dầu tuần này đảo chiều, tăng hơn 1 USD.

Với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, giá dầu Brent tuần này đã tăng 1,05 USD lên mức 74,9 USD/thùng, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,48 USD lên mức 70,64 USD/thùng, đánh dấu tuần tăng giá, đảo ngược đà giảm giá hơn 3% của tuần trước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mặc dù báo lãi trong tuần này, nhưng tính cả quý II năm nay, hợp đồng hoàn thiện của dầu Brent đã giảm tới 6%. Tính từ đầu năm, giá dầu Brent đã giảm khoảng 15%. Đáng chú ý, đây là quý thứ tư liên tiếp giá dầu Brent lao dốc. Trong khi đó, dầu WTI đã giảm quý thứ hai liên tiếp, “mất” khoảng 6,5% trong ba tháng gần nhất.

Các chuyên gia nhận định, trong năm phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã tăng tới bốn phiên và chỉ giảm duy nhất một phiên.

Cú lao dốc hơn 2% trong phiên giao dịch thứ hai của tuần giao dịch do nhiều tín hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương có thể chưa quyết định tăng lãi suất, trong khi dữ liệu ngành chỉ ra rằng dự trữ xăng và dầu thô của Mỹ giảm trong mùa lái xe cao điểm hè.

Nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group cho rằng, bất chấp những lo ngại về nền kinh tế đang chậm lại ở châu Âu, lãi suất vẫn sẽ tăng và điều này đã gây áp lực khiến giá giảm.

Giàn khoan ngoài khơi của Petrovietnam. Ảnh minh họa
Giàn khoan ngoài khơi của Petrovietnam. Ảnh minh họa

Trong bốn phiên giao dịch còn lại của tuần, giá dầu đã leo dốc, tuy nhiên, mức tăng trong từng phiên cũng khá khiêm tốn. Giá dầu đã dịch chuyển nhẹ theo hướng tăng. Duy nhất ở phiên giao dịch thứ ba của tuần giao dịch, giá dầu bất ngờ tăng vọt khoảng 3% sau cú lao dốc hơn 2% ở phiên giao dịch một ngày trước đó.

Sự đảo chiều tăng vọt của giá dầu là bởi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp bù đắp cho những lo ngại rằng việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu toàn cầu.

Dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 28/6 cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 23/6 giảm tới 9,6 triệu thùng, vượt xa mức giảm 1,8 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo trong cuộc thăm dò của Reuters và cao hơn 3 lần so với mức giảm 2,8 triệu thùng cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này cũng vượt quá mức trung bình trong 5 năm, từ 2018 đến 2022.

Trong tuần, dữ liệu từ Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cũng chỉ ra rằng lợi nhuận hằng năm tại các công ty công nghiệp Trung Quốc đã kéo dài mức giảm hai con số trong năm tháng đầu năm do nhu cầu giảm, củng cố hy vọng có thêm chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế đang chững lại sau Covid.

Theo đó, trong 5 tháng đầu năm, lợi nhuận đã sụt giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng trong tháng 5, lợi nhuận giảm 12,6%, thu hẹp mức giảm 18,2% trong tháng 4. Cũng theo NBS, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao mới là 20,8%.

Theo các nhà phân tích, giá dầu sẽ gặp khó khăn trong năm nay khi những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu kéo dài. Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự đoán thị trường sẽ thắt chặt trong nửa cuối năm một phần do việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ đang diễn ra và việc Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng trong tháng 7 từ 10 triệu thùng/ngày xuống còn 9 triệu thùng/ngày.

Do đó, giá dầu vẫn sẽ duy trì ở mức dưới 80 USD/thùng trong một khoảng thời gian của hè này, mặc dù mức thâm hụt sâu khoảng 2,3 triệu thùng được dự báo cho nửa sau của năm sẽ giúp thúc đẩy một số đà tăng giá.